Chặp cải lương Hài:
Ý THỨC
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến Khích cuộc vận động sáng tác tiểu phẩm sân khấu, tấu, chặp cải lương chủ đề “NĂM 2008 – NĂM THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH ĐÔ THỊ” do Trung Tâm Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh tổ chức)
MỘT MÀN MỘT CẢNH
NHÂN VẬT
NAM
1-Ngọc Hoàng
2-Thái Thượng Lão Quân
3-Thiên Lôi
NỮ
1-Hoàng Hậu
(Nơi huê viên chốn thiên đình vào một ngày cuối tuần. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu cùng đi dạo ngắm cảnh, xem hoa)
NGỌC HOÀNG: Kìa, Hậu của trẫm. Hôm nay vì nguyên cớ gì mà trẫm thấy Hậu không được vui vậy?
HOÀNG HẬU: (hờn dỗi) –Vui làm sao được mà vui, dẫu cho thần thiếp muốn vui cũng không sao vui nổi. Có muốn cười lại cũng không… cười được nữa là.
NGỌC HOÀNG: Ủa, sao lạ vậy Hậu? (nhại lại giọng) Tại sao Hậu muốn vui cũng không sao… vui nổi, có muốn… cười cũng không sao… cười được. Nghĩa là sao?
HOÀNG HẬU: (nũng nịu) –Thần thiếp hổng có giỡn đâu à nghen. Chớ bệ hạ nghĩ coi, người ta là vợ của thường dân thôi, vậy mà trong những dịp lễ tết lại được chồng đưa đi đó… đi đây du lịch cho biết đó biết đây. Có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Còn thần thiếp… (khóc thúc thít) mang tiếng là vợ của Ngọc Hoàng, là vợ của… ông Trời lại không được đi đâu hết hà! Vậy mà người dương thế tưởng đâu được làm vợ của trời là… ngon, là sướng lắm vậy!
NGỌC HOÀNG: Được làm vợ của trẫm, Hậu được làm… bà trời sao lại không ngon, không sướng chớ, hử?
HOÀNG HẬU: (nguýt yêu) –Hổng dám ngon đâu, hổng dám sướng đâu (tủi thân, khóc òa)
NGỌC HOÀNG: (dỗ dành) –Thôi, Hậu nín đi, chớ làm vợ của ông trời mà khóc lóc như vậy kỳ… dữ lắm!
HOÀNG HẬU: Chớ thần thiếp… tức quá mà! Ai biểu bệ hạ vô tình làm chi… lắm vậy! (khóc)
NGỌC HOÀNG: Kìa, Hậu nói vậy là oan cho trẫm rồi, trẫm hổng có… vô tình một chút nào hết. Trái lại, bao giờ trẫm cũng hết lòng yêu thương Hậu.
HOÀNG HẬU: Bệ hạ nói là yêu thương thiếp. Vậy mà… hổng biết bao lần thiếp… thỏ thể với bệ hạ thử làm một chuyến du lịch chốn…
MẪU TẦM TỬ
Dương gian… Mà bệ hạ vẫn lặng yên
Làm như không hề nghe, không hề thấy không bằng
Suốt tháng quanh năm nơi miền thượng giới
Đơn điệu vô cùng chẳng có gì vui
Chỉ có bấy nhiêu thôi
NGỌC HOÀNG: (ca) –Cũng bởi vì công việc quá đa đoan
Nên chưa thể nào thực hiện được chuyến đi
Trẫm hứa với hậu rồi sẽ có một ngày
HOÀNG HẬU: (ca) –Thiếp ghét những người hứa dẻo, hứa dai
II
Hứa mà hứa xạo… Thì hứa đề mà chi
Hứa rồi ngâm tôm, thì hứa đề làm gì?
Thiếp rất ghét “con ma nhà họ Hứa”
Nói và làm, cần phải đi đôi
Chớ nói rồi bỏ cho cóc nó xơi
Thì lời nói kia có giá trị gì đâu?
NGỌC HOÀNG: (ca) –Trẫm là Ngọc Hoàng, đâu phải kẻ thất phu
Một khi trẫm nói, là trẫm phải làm
Hoàng hậu chớ buồn mà hãy an tâm.
HOÀNG HẬU: (nói tỉnh) –Thiếp hổng tin, chừng nào… thấy thiếp mới tin.
NGỌC HOÀNG: Được rồi, trẫm sẽ làm cho Hậu thấy, Hậu tin. Quân (DẠ) Cho đòi Thái Thượng Lão Quân đến đây gặp trẫm ngay đa nhé! (DẠ)
HOÀNG HẬU: (hớn hở, duyên dáng) –Làm ông trời như vậy mới đáng mặt… là trời chớ! Bệ hạ, bệ hạ là ông trời… dễ thương của thiếp (hôn đánh chụt)
NGỌC HOÀNG: Giữa ban ngày ban mặt mà Hậu làm như thế, kỳ chết.
HOÀNG HẬU: Hổng có kỳ gì hết á! Chồng của thiếp thì thiếp có quyền… hun, ai dám làm gì thiếp đâu, nè!
LÃO QUÂN: Thần Thái Thượng Lão Quân xin yết kiến Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu.
HOÀNG HẬU: Ta thay mặt Ngọc Hoàng miễn lễ cho Thái Thượng Lão Quân. Này, Thái Thượng.
LÃO QUÂN: Dạ, có lão thần.
HOÀNG HẬU: Từ lâu, Thái Thượng vốn nổi tiếng ở chốn thiên đình là một nhà…
XUÂN TÌNH (lớp I)
Thông thái… Vậy hãy nghe ta hỏi câu này
Lão có biết, Ngọc Hoàng cho vời lão có việc chi?
Cho lão ba mươi giây, động não trả lời
Nói đúng, thì ta thưởng ban trọng hậu
Còn nếu sai, sẽ bị phạt chế tài
Trừ ba tháng lương, sung vào công quỹ thiên đình
Đây cũng là chuyện thường tình, thưởng phạt công minh
NGỌC HOÀNG: (ca) –Lão Quân hãy ráng trả lời Hoàng Hậu
Bởi có câu: “Nhứt vợ nhì trời”
Lão Quân có vợ, ắt cũng đã biết rồi
Chiều mấy bà một tí, có nào thiệt hại chi
HOÀNG HẬU: (ca) Thái Thượng nè, Ta đây giao hẹn trước
Nếu thấy được, Thái Thượng cứ trổ tài
Còn nếu không, cứ từ chối thẳng tay
Ở đây không có chuyện đánh trống bỏ dùi
Lại cũng không hề “xử lý nội bộ”
Và cũng không “kiểm điểm” để làm gì
“Xử phạt hành chánh” lại không có ở nơi này
Chỉ có một điều thưởng với phạt mà thôi
LÃO QUÂN: (ca) –Dạ, Lão hạ đây hiểu rành pháp luật
Chốn thiên đình vốn uy nghiêm, chính trực
Hễ có công, thì được ban thưởng
Còn có tội, thì pháp luật thực thi
Chớ không có chuyện xử nhẹ hều
Nào phạm tội lần đầu, thế nọ thế kia
Có công thì thưởng, có tội thì trừng
Đạo luật này do lão hạ đề ra
NGỌC HOÀNG: (nói, giọng cảm thông) –Thái Thượng Lão Quân, Trẫm muốn nói với khanh điều này.
LÃO QUÂN: Dạ, lão hạ xin được lắng nghe
NGỌC HOÀNG: Hay là Thái Thượng Lão Quân thôi không làm nhà thông thái nữa. Ngộ lỡ… Thái Thượng Lão Quân đoán sai rồi bị… chế tài ba tháng lương, trẫm thấy áy náy trong lòng dữ lắm!
LÃO QUÂN: Dạ, cám ơn bệ hạ đã có lòng nghĩ đến. Như lão hạ không muốn mình là hiện thân kẻ “có tiếng mà không có miếng”. Việc này, chẳng khác gì như… xài bằng cấp giả mà thôi.
HOÀNG HẬU: Ta có lòng khen sự khí khái của Lão Quân. Vậy thì… khanh hãy đoán thử xem.
LÃO QUÂN: (lần tay tính, ra chiều nghĩ ngợi) –Nếu lão hạ tính không lầm, thì ý định của Hoàng Hậu muốn làm cuộc…
Ú LIU Ú XÁNG
Ngao du sơn thủy… Nơi chốn dương trần
NGỌC HOÀNG: (ca) –Thái Thượng tài thật, đoán việc như thần
Vậy thì Hậu lo, cái chuyện thưởng ban
Đâu đó phân minh
LÃO QUÂN: (ca) –Dạ, đó là bổn phận, thần đâu dám nhận
Hoàng Hậu khỏi lo, cái việc thưởng ban
II
HOÀNG HẬU: Một khi đã nói… quyết chẳng sai lời
Ta đây vốn ghét – cái thứ như ruồi
Nói thì huyên thuyên –Còn làm lại quàng xiêng
Thấy tức muốn điên
NGỌC HOÀNG: (ca) –Hậu đừng nóng giận –Làm chi cho mệt
Hãy để trẫm lo –Khỏi phải đắn đo
HOÀNG HẬU: (nói, duyên dáng) –Bệ hạ làm như thiếp đây tệ như… vợ thằng Đậu cũng không bằng. Thiếp tính như vầy… bệ hạ coi có được không nghen. Mùa hè sắp tới rồi, thiên đình nóng nực dữ lắm! Hay bệ hạ và thần thiếp cùng Thái Thượng Lão Quân làm một chuyến ngao du sơn thủy chốn trần gian nghen bệ hạ?
NGỌC HOÀNG: (nói vui) –Trẫm thì sao cũng được. Bởi “Nhứt vợ, nhì trời” mà! Thế còn ý của Lão Quân như thế nào?
LÃO QUÂN: Dạ, theo ý của lão hạ thì…trước khi làm chuyến du hành dưới trần gian, cho đòi Thiên Lôi hỏi xem dưới ấy hiện đang thế nào, cho chuyến đi được vẹn bề sau trước.
HOÀNG HẬU: Lão Quân nói thế nghĩa là sao?
LÃO QUÂN: Tâu Hoàng Hậu, theo lão hạ được biết thì… ở chốn trần gian không được bình ổn lắm! Cho nên tốt hơn hết để Thiên Lôi tâu qua cặn kẽ sự tình, rồi làm chuyến nhàn du cũng không muộn.
NGỌC HOÀNG: Được rồi, trẩm chuẩn tấu.
HOÀNG HẬU: Quân (DẠ) cho đòi Thiên Lôi diện kiến Ngọc Hoàng đa nhé!
THIÊN LÔI: Dạ, hạ chức là Thiên Lôi, xin diện kiến Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu.
NGỌC HOÀNG: Trẫm miễn lễ, này Thiên Lôi.
THIÊN LÔI: Dạ, có Lôi.
NGỌC HOÀNG: Ngươi hãy nghe trẫm hỏi. Nhà ngươi…
MIÊN HẬU HỒI CUNG
Công tác… Ở nơi trần gian
Ắt là sẽ hiểu nhiều điều thiệt hơn
Trẫm cùng Hoàng Hậu muốn đi du hành
Trần gian một chuyến, hiểu thêm sự tình
II
THIÊN LÔI: Nhưng mà điểm đến Ngọc Hoàng nơi đâu
Ở nơi Thành phố hay là miền quê
HOÀNG HẬU: (ca) –Thành phố khác với miền quê thế nào?
Ngươi mau bày tỏ trước sau ngọn nguồn
THIÊN LÔI: (nói) –Dạ, nếu như Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu muốn đi du lịch chốn…
KHỐC HOÀNG THIÊN
Trần gian… Thì cần nên suy nghĩ
Kẻo không thôi lâm vào thế bí
Khi đó đành “Tiến thoái lưỡng nan”
NGỌC HOÀNG: (ca) –Ngươi nói mau cho thật kỹ càng
Trẫm biết khá nhiều về đất nước Việt Nam
Nên muốn một lần đến để tham quan
HOÀNG HẬU: (ca) –Đất nước Việt Nam chính trị ổn định
Còn kinh tế ngày một đi lên
Có danh lam, thắng cảnh đẹp vô cùng
Sao nhà ngươi lại nói lung tung
THIÊN LÔI: (ca) –Dạ, nhưng giờ đây có vấn nạn đau lòng
Đó là tai nạn giao thông
II
Tính ra một năm… Hơn mười ba ngàn người chết
Một con số vô cùng khủng khiếp
Còn hơn thời kỳ đất nước chiến tranh
Qủa là nhức nhối khôn lường
Tai nạn giao thông nó làm láng không chừa
Chớ không như là cái búa của Thiên Lôi
Chỉ búa những kẻ bất nhân vô đạo
Chỉ búa ở phường mọt nước, sâu dân
Chỉ búa những tên xảo quyệt, gian hùng
Chớ không hề xúc phạm đến người ngay
NGỌC HOÀNG: (ca) –Lời ngươi tâu qua, trẫm áy náy trong lòng
Còn Thái Thượng (DẠ) khanh nghĩ ra sao?
LÃO QUÂN: (nói buồn) –Dạ, lão thần tưởng đâu đất nước Việt Nam sau khi thoát khỏi chiến tranh, địch họa. Người dân được an hưởng trong thanh bình, hoan lạc. Ngờ đâu, tai nạn giao thông ngày đêm rình rập chực chờ, gây ra cái chết oan uổng cho bao người lương thiện.
HOÀNG HẬU: Này, Thiên Lôi.
THIÊN LÔI: (giựt mình) – Dạ, có Lôi.
HOÀNG HẬU: Ngươi vốn dĩ gần gũi cùng người hạ giới. Vậy ngươi có biết nguyên nhân nào, tại vì đâu và nguyên cớ gì lại xảy ra tai nạn giao thông, làm cho số người tử vong nhiều đến thế hay không, hử?
THIÊN LÔI: Dạ, theo hạ chức biết đó chẳng qua từ ý thức mà ra.
HOÀNG HẬU: (với Lão Quân) –Ý thức, ý thức là cái giống gì, nó tròn méo ra sao vậy Thái Thượng Lão Quân?
LÃO QUÂN: Dạ, muôn tâu, nếu như Hoàng Hậu muốn tỏ tường, xin hỏi Ngọc Hoàng thì sẽ rõ.
NGỌC HOÀNG: Kìa Lão Quân, hà cớ gì lại có trẫm trong đó cơ chứ? Khanh được tiếng là nhà thông thái, thì khanh trả lời thay cho trẫm được rồi!
LÃO QUÂN: Dạ, cũng…
DUYÊN KỲ NGỘ
Bởi vì… Thần không thể ngoa ngôn
Hễ biết đâu thì lão thần nói đó
Việc tạo ra con người
Là do Ngọc Hoàng đảm trách
HOÀNG HẬU: (ca) –Loài người do bệ hạ tạo ra
Sao không ban cho ý thức?
Để xảy ra cớ sự như vầy
Bệ hạ thật là đáng trách
NGỌC HOÀNG: (ca) –Trẫm ban loài người có trí khôn
Ý thức kia là tự giác nơi người
Trẫm đây vốn đã chu toàn
Bởi ý thức từ ở trí khôn ra
Do người chủ động mà thôi
Bàn tay kia có ngón vắn, ngón dài
Thì con người phải có chỗ hơn nhau
KIM TIỀN HUẾ
Vì vậy cho nên… con người biết phát minh
Sáng chế ra đủ mọi thứ trên đời
HOÀNG HẬU: (ca) -Cớ sao bệ hạ không chịu ban cho, con người ý thức kia
Để đến bây giờ, gây ra thảm trạng
Tai nạn cho người
Một đất nước thanh bình yên vui
Lại phải lo toan
Tai nạn giao thông ngày đêm rình rập
Cũng vì nguyên nhân từ ý thức mà ra
Khi tạo loài người ở chốn trần gian
Bệ hạ chỉ ban cho họ trái tim
Biết ghét, yêu, buồn, giận
Sao không ban cho họ
Ý thức cá nhân
Nếu được như vậy
Thì đâu xảy ra tai nạn
THIÊN LÔI: (vô vọng cổ) –Hoàng Hậu ơi, Ngọc Hoàng đã tạo ra hình dạng con người thì không chê vào đâu được. Họ có trí khôn để liệu lường sau trước, biết ý thức của bản thân để tôn trọng luật…
VỌNG CỔ
15-Đi đường… Là một công dân, thượng tôn pháp luật là điều không thể xem thường… Luật giao thông ở dương trần có đủ đầy tất cả, nhưng cũng bởi nơi người không tuân thủ mà thôi (-) Khi đèn đỏ phựt lên, nếu không có mặt mấy chú công an, thì không thiếu chi người vượt nên mới gây ra tai nạn. Rồi lạng lách, đua xe, phóng nhanh, vượt ẩu, đây cũng là nguyên nhân gây ra cái chết cho người.
NGỌC HOÀNG: (nói dặm) –Trẫm đã hiểu ra rồi. Những việc làm đó là do thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Tiếc thật!
LÃO QUÂN: 16-Dạ, muôn tâu Ngọc Hoàng. Thần truy cập qua internet vừa khâm phục, lại vừa cảm thương thay cho đất nước Việt Nam. Một dân tộc chiến đấu kiên cường qua hai cuộc chiến tranh, mới giành lại được thanh bình, độc lập. Nay kinh tế ngày một đi lên, chính trị ngày thêm ổn định, được các nước xa gần ngưỡng vọng kết giao. Nhưng tai nạn giao thông quả là một nỗi đau, đó chẳng qua không ngoài nơi ý thức. Nếu như mọi người chấp hành tuân thủ luật, thì tai nạn giao thông tức khắc sẽ không còn (-)
NGỌC HOÀNG: (ca) –Trẫm hiểu rồi Thái Thượng Lão Quân ôi, vậy hãy mau tìm biện pháp khả thi làm giảm đi tai nạn. Một đất nước thanh bình thịnh trị, thì không thể có những điều đáng tiếc xảy ra.
THIÊN LÔI: (nói) –Dạ, Ngọc Hoàng thật là cao kiến. Tâu Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu, hạ chức vốn tiếp cận chốn dương trần để trừ khử bọn điêu ngoa, xảo quyệt. Như có điều khiến cho thần phải…
NAM AI (lớp mái)
Ngậm ngùi… Thần thẳng tay trừng trị những người
Khi sống ở trên đời
Mà bạc ác, dối gian
Đã bị lão Nam Tào gạch tên
Vậy mà suốt cả một năm
Số người chết cũng không bằng
Một ngày, bởi tai nạn giao thông
Tội thay, những người hiền lương
Phải bỏ mạng ở trên đường
Đáng ra họ phải còn
Sống thọ ở trần gian
LÃO QUÂN: (ca) –Lão hạ rất khổ tâm
Trước thảm trạng đau lòng
Cúi xin Ngọc Hoàng
Tìm biện pháp khả thi
HOÀNG HẬU: (vô vọng cổ) –Bệ hạ ơi, biện pháp khả thi chính là do nơi nếp nghĩ. Thiên đình ta cần thực thi trước nhất, khi làm cuộc nhàn du nơi chốn…
VỌNG CỔ
1-Dương trần… Phải là tấm gương trong, là ánh đuốc soi đường… Có như vậy mới đúng với câu “đầu tàu gương mẫu”, thiên hạ đã gọi là trời thì ta phải nêu gương (-) Ở dương trần có luật giao thông, khi làm cuộc nhàn du ta phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đó cũng là ý thức cá nhân, tôn trọng luật đi đường là điều không thể thiếu.
LÃO QUÂN: (nói dặm) –Dạ, lời của Hoàng Hậu thật vô cùng chí lý. Mong sao, đây cũng là tấm gương trong cho người dương thế noi theo
NGỌC HOÀNG: 2-Hoàng Hậu ơi, bấy lâu chốn thiên đình vì đa đoan công việc, nên trẫm ít khi để ý đến chuyện dương trần… Giờ hiểu ra trẫm hối hận khôn cùng… Thương cho một đất nước triền miên chinh chiến, được sống yên bình mà chẳng được bình yên (-) Thái Thượng Lão Quân, (DẠ, CÓ LÃO THẦN) khanh hãy cố tìm ra biện pháp khả thi, giúp cho người trần gian giảm thiểu tai nạn càng nhanh càng tốt. Tai nạn giao thông không thua gì bệnh AIDS, nó không chừa bất cứ một ai. (ca dứt Hò)
LÃO QUÂN: (nói) –Dạ, theo cách nghĩ của lão hạ, thì không gì bằng việc mắt thấy, tai nghe.
HOÀNG HẬU: Ý Thái Thượng vừa nói nghĩa là sao?
LÃO QUÂN: Dạ, muôn tâu Hoàng Hậu. Đó không ngoài việc ta cần đi…
KIỀU NƯƠNG
Thực tế…
Cho loài người nhận thấy
Qua một chuyến du hành
Nơi trần gian
Vậy thì ta phải vẹn bề trước sau
Để làm gương
Luật giao thông cần nên tuân thủ
Không vi phạm dù điều rất nhỏ
Người trần gian sẽ thẹn lòng
Mà sửa sai
NGỌC HOÀNG: (ca) –Một biện pháp rất hay
Thật quá đổi tuyệt vời
Khơi dậy trong mỗi con người
Phải cần nên ý thức
HOÀNG HẬU: (nói, giọng nũng nịu) –Bệ hạ ơi, nếu vậy thì khi nhàn du nơi chốn dương trần, thiên đình cũng phải học luật giao thông, có đúng vậy không bệ hạ?
NGỌC HOÀNG: (trìu mến) –Đúng vậy đó Hậu. Người trần gian có câu rằng: ‘Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”. Ta đến với trần gian thì phải thượng tôn pháp luật nơi ấy mà thôi.
HOÀNG HẬU: (duyên dáng) –Như vậy thì...
NGỌC HOÀNG: Ý của Hậu thế nào?
HOÀNG HẬU: Thì… thiếp phải… học luật giao thông ở dương trần chớ còn làm sao nữa!
NGỌC HOÀNG: (giọng phấn khởi) –Hãy nghe trẫm nói đây. Khi nào Hoàng Hậu và tất cả làu thuộc luật giao thông, thì thiên đình sẽ tổ chức cuộc nhàn du nơi dương thế. Các khanh có đồng ý với trẫm không?
TẤT CẢ: Dạ, đống ý. Bệ hạ vạn vạn tuế. Vạn vạn tuế!
NHẠC VUI –MÀN KHÉP
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.