BIẾT ƠN CHỊ VÕ THỊ SÁU
Nhạc: Nguyễn Đức Toàn
Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Nhạc
Mùa hoa lê ki ma nở
Ở quê ta miền đất đỏ
Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng
Đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở.
Đời sau vẫn còn nhắc nhở
Sông núi đất nước ơn người anh hùng
Đã chết cho đời sau.
Lý Cái Mơn
Đời đời sau còn vang câu hát
Chị Sáu hy sinh rạng ngời trái tim hùng anh
Tuổi thanh xuân và xương máu thắm tô ngàn đời
Vì non sông ngại gì hiểm nguy
Dẫu xa xôi mồ sâu
Vẫn mãi còn tiếng ca vang vọng niềm tin.
Vọng Cổ
Ôi người con gái bất khuất, kiên cường “đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở”. Để muôn đời sau vẫn còn nhắc nhở chị Sáu hy sinh vì Tổ quốc… quên… mình.
Câu 1. Ôi một tấm gương yêu nước nồng nàn.
Chị sinh ra trên miền quê đất đỏ,
Vững tin một ngày cách mạng sẽ thành công.
Dẫu nụ cười hiền nhưng nhanh nhẹn thông minh,
Là nữ giao liên mưu trí kiên cường.
Bọn giặc thù luôn khiếp vía rẩy run,
Khi đứng trước nữ anh hùng trung kiên bất khuất.
Câu 2. Rồi chị đã rơi vào vòng tay của giặc, chúng đánh đập dã man tra tấn cực hình.
Chị vẫn đấu tranh đến hơi thở sau cùng.
Dù án tử hình đang treo lơ lửng,
Lại bị giam cầm nơi Côn Đảo xa xôi.
Nhưng nữ anh hùng luôn vững chí bền gan,
Can đảm trước họng súng quân thù khi đối mặt.
Để được ngắm nhìn quê hương đất nước,
Gửi lại tuổi xuân thùy hừng hực nỗi hờn căm.
Nhạc
Người thiếu nữ ấy như mùa xuân
Chị đã dâng cả cuộc đời
Để chiến đấu với bao niềm tin
Dù chết vẫn không lùi bước.
Chị Sáu đã hy sinh rồi
Giọng hát vẫn như còn vang dội
Vào trái tim những người đang sống
Giục đi lên không bao giờ lui.
Lý Con Sáo
Lê ki ma luôn nở khắp trời quê ta
Người anh hùng thiếu niên
Đã hy sinh anh dũng kiên cường
Để quê hương tươi sáng ngàn đời
Thôn xóm nghèo mãi nhắc tên nhớ thương
Chị ra đi nhưng muôn thuở còn đây
Mùa hoa về hương tỏa lan ngát bay
Cho núi sông khắc ghi muôn đời sau.
Vọng Cổ
Chị Sáu ơi mùa hoa lê ki ma lại nở trên miền quê đất đỏ. Như lắng nghe tiếng ngân nga của bài ca huyền thoại tỏa sáng lung linh bất tử đến… muôn… đời.
Câu 5. “Chị Sáu đã hy sinh rồi”.
Mà sao “giọng hát vẫn như còn vang dội”,
Trong triệu trái tim hồng con cháu Rồng Tiên.
Ơi quê hương miền đất đỏ thiêng liêng,
Mãi đậm in tên người anh hùng Võ Thị Sáu.
Vang vọng đến thiên thu lời hô sau cuối:
“Việt Nam độc lập muôn năm”, chị Sáu mãi ngẩng cao đầu.
Nhạc
Kìa hoa lê ki ma nở
Đẹp thêm quê miền đất đỏ
Nơi đó sáng mãi tên người anh hùng.
Bình minh đang rực sáng cho hoa kia nở
Mùa xuân lan tràn xứ sở
Tôi đến hát trước nấm mồ chôn sâu
Người nữ anh hùng.
Lý Con Sáo
Hàng Dương ơi nấm mồ nơi Côn Đảo xa xôi
Người nữ anh hùng nằm đây
Cho quê hương đất nước rạng ngời
Lê ki ma hương lan tỏa khắp trời
Tuổi xuân thùy chị hiến dâng máu xương
Như mùa xuân tô sắc thêm miền quê
Chết không lùi vẫn hát lên tiếng ca
Tiếng hô thuở nao mãi vọng vang ngàn năm.
Về Vọng Cổ
Câu 6. Trước họng súng kẻ thù chị không hề run sợ, tỏ rõ khí phách hiên ngang bất khuất kiên cường.
Tôi về thăm lại Hàng Dương
Nghĩa trang lặng lẽ giọt sương rơi đầy
Ngỡ quân thù đứng nơi đây
Rẩy run khiếp sợ… Bài ca anh hùng./.
Long Xuyên, ngày 19 tháng 3 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---