CON TRAI MIỀN TÂY
Nhạc: Vũ Quốc Bình
Vọng cổ: Phạm Huỳnh Luân
Nhạc:
Nữ: Nghe nói Miền Tây con trai thật dễ thương.
Nam: (Chính xác) Khi đã yêu ai là là yêu hết mình
Nữ: Thật hôn đó?
Nam: Người Miền Tây ấm áp tấm lòng quê.
Nữ: Mai về Miền Tây mong tìm được người thương người mến. Nghe nói Miền
Tây con trai thật đảm đang.
Nam: Quá xá đảm đang.
Nữ: Sáng xuống vuông tôm chiều ra chiều ra cấy cày. Trời Miền Tây trắng xoóa cánh cò bay, trai làng Miền Tây ai cũng là công tử Bạc Liêu.
Vọng cổ:
Nam: Cô hai gì đó ơi! Chắc tại ở Sài Gòn cô sống trong giàu sang nhung lụa nên không biếtđược cái cực khổ gian lao của người nơi thôn dã; Còn cái tên công tử Bạc Liêu là Ông Cha thời trước, chứ như tôi thì vất vả trăm... bề.
1. Da nám tay chai lo cho cuộc sống qua ngày...
Nữ: Tôi thấy anh hai vừa siêng năng giỏi dắn, lại thật thà chơn chất dễ thương.
Nam: Cô có khen thì tôi cũng chẳng có dám từ chối, còn cô có chê tôi đây cũng hổng dám buồn. Bởi dẫu người ta bảo ra rằng ở xứ Miền Tây có sẵn cá nước chim trời thì cần gì làm cho nó khổ.
Dặm nói:
Nữ: Thì tôi vẫn thường nghe bà con khắp xứ ai cũng đều nói vậy, muốn ăn cái gì là có đó ra sông có cá, ra đồng thì có rau, có lúa gặt hái đem về mà ăn chứ có làm gì đâu mà cực khổ phải hôn anh hai.
Nam: Cô hai cô thấy vậy chứ không phải vậy đâu, tụi tôi phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời để làm ra hạt lúa, con tôm rồi đem buôn bán trao đổi mới có miếng ăn đó cô hai à.
2. Nữ: Nói thì nói vậy thôi, tôi đã thấy các anh tay làm tay cấy, ruộng đồng xa mưa nắng dãi dầu... Nam: Cái thời công tử Bạc Liêu xưa, nay đã không còn... Chỉ còn đây là những tấm lòng hào phóng, luôn sẵn sàng tiếp đón bạn đường xa. Nữ: Mới gặp lần đầu tôi đã thấy qua anh, cái chơn chất hiền lành của con trai miền sông nước. Nam: Vậy để trước lạ sao quen tôi mời cô dừng bước, nghé lại thăm nhà tôi đãi cô những món đặc sản Miền Tây.
Nhạc:
Nữ: Hò... ơ ai về Miền Tây cho em hỏi vài câu, trai làng Miền Tây còn say xỉn suốt đêm ngày.
Nam: Nhậu vô tiêu hết mấy chai nghiêng ngã đất trời, bước cao mà bước thấp ớ ơ là hò.
Nữ: Không ai là ai cấy cày không ai cấy cày ơ hò ơ hò là hò ơ.
Nam: Thì để mai mình làm tiếp có sao đâu cô hai.
Nữ: Nghe nói Miền Tây con trai thật dễ thương.
Nam: Quá dễ thương.
Nữ: Chặn sóng ngăn đê dựng xây dựng xây xóm làng. Gặp người thươnng vẫn cứ đứng ngẫn ngơ. Thương tôi đứt ruột sao giả đò ngó lơ.
Vọng cổ:
Nam: Tại tôi thấy cái sự xa hoa cái đua đòi của con người thành phố; Người xấu xí như tôi cộng thêm cái quê mùa dốt nát rồi bị cô phán thêm cái tật sáng xỉn chiều say thì làm sao tôi dám nói ra cái bụng của... mình.
5. Mặc dù ai cũng nói con trai Miền Tây hết dạ chung tình...
Nữ: Thì tại tôi thấy các anh làm chưa có xong gì hết trơn hết trọi, rồi cái tụm năm tụm bảy lại ngồi chè rượu lai rai.
Nam: Đó người ta gọi là cái thú tiêu dao, khi có một chút men cay lại dạo đờn cất lên câu hò giọng hát. Con người Miền Tây sống thật thà là vậy đó, và đã thương ai thì luôn chung thuỷ một lòng.
Lý cái mơn:
Nữ: Vừa nghe qua... Lòng em đã hiểu... Cái chơn chất dễ thương của người sống nơi Miền Tây, gái hay trai ai cũng dễ mến, thuỷ chung bền lòng...
Nam: Này người ơi, đã về nơi đây, giữa sông nước Cửu Long, nếu thương rồi xin ở lại Miền Tây.
6. Nữ: Em quý em thương, thương người thương đất, sao quá hữu tình chơn chất nên thơ. Em muốn được như Mẹ hiền như những Chị gái Miền Tây, trong chiếc áo bà ba ra đồng cấy lúa. Sớm sớm chiều chiều cùng anh xây dựng xóm thôn, chặn sóng ngăn đê cho xóm làng không còn nước lũ. Anh xuống vuông tôm, còn em ra đồng cấy lúa, la lả cánh cò bay trắng xoá cả khung trời...
Nam: Trời cao sắp sẵn lương duyên, cho gái thành thị gặp được trai miệt vườn. Miền Tây đi dễ khó về trai đi có vợ, gái về có đôi.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Phạm Huỳnh Luân với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 002- 2014/HĐTPSK - CLB, ký ngày 28/9/2014 giữa Tác giả Phạm Huỳnh Luân và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
--------
Tác giả Phạm Huỳnh Luân đến với cải lương và tập tành sáng tác từ những năm còn học cấp 3 đến nay đã hơn 20 bài vọng cổ, những sáng tác của anh luôn thấm đẩm tình người, tình yêu quê hương đất nước, sự cảm thông và sẻ chia với cuộc đời.
Có nhiều lúc Phạm Huỳnh Luân chia sẻ rằng: Vọng cổ như là gia vị để làm cuộc sống thêm đa đạng và thú vị hơn, được xem như là tiếng lòng để giải bày tâm sự, để tìm sự đồng cảm trong lúc rong ruổi một mình. Và anh cũng muốn dùng bài vọng cổ của mình để gửi gắm tâm tình đến bạn tri âm…