DUYÊN DÁNG ÁO HOA
Tân nhạc: Minh Châu
Vọng cổ: Viễn Châu
NHẠC
Nam: Dáng vóc em ngọc ngà, thêm tha thướt chiếc áo dài hoa
Vương gót sen đôi tà, thẹn thùng duyên, nhún gót lụa là
Nữ: E ấp trên môi hồng, nụ cười duyên quá duyên là duyên
Thanh tao tiếng chim quyên, là lời êm tiếng nhung dịu hiền.
Nam: Mộng mơ như ngàn lời thơ, quê hương là dáng hình em
Bay bay áo dài trong gió thướt tha, trong nắng màu hoa
Nữ: Trường đã tan áo hoa đi về, áo xôn xao với hội hè
Mai này nâng bước pháo hồng gần xa, thướt tha áo hoa
Vọng cổ
Nam: 1/ Ánh nắng hoàng hôn hay vạt áo hồng phất phơ trước gió. Rặng liễu buông tơ bên mình cô gái nhỏ mái tóc bay bay theo gió lạnh buổi thu … tình.
Sương khói mông lung bao phủ cảnh thu buồn. Dưới nhịp cầu tre gió đùa gợn sóng, in bóng một người trên mặt nước hồ thu.
Nữ: Hoa lá thẫn thờ theo tiếng gió vi vu, khi nghe em cất lên tiếng hát ngọt ngào.
Nam: Tiếng hát u buồn qua tiếng lá lao xao, trong khi tôi đứng thẫn thờ bên hàng cây rũ bóng …
Nữ: 2/ Ai đứng bên hiên không biết mê hay tỉnh, trí não bâng khuâng như một kẻ không hồn. Từng bước em đi thơ thẫn trên đường. Mái tóc thơm hương bồng bềnh trước gió, dưới nắng ban chiều như quyện lấy hồn ai.
Nam: Tôi đếm từng chiếc lá vàng rơi trên đôi vai nhỏ căng đầy nhựa sống.
Nữ: Có lẽ bao phen muốn mở lời tâm sự, nhưng quá ngại ngùng nên chỉ đứng nhìn theo …
Tân nhạc
Nữ: Giữa phố nơi đông người, em như muôn cánh hoa đẹp tươi
Thêm sắc hương cho đời, và điểm tô cuộc sống bao người.
Nam: E ấp trên môi hồng, nụ cười duyên quá duyên là duyên
Thanh tao tiếng chim quyên, là lời êm tiếng nhung dịu hiền
Thanh tao tiếng chim quyên, là lời êm tiếng nhung dịu hiền…
Vọng cổ
Nữ: 5/ Em đứng trên nhịp cầu ao cội thuỳ dương nghiêng mình trên sóng nước, tiếng hát của em hòa theo tiếng hót của con hoàng oanh trên cành cây cổ thụ như ru hồn ai vào trong giấc mộng buổi ban … chiều. Mỗi bước em đi xác lá rụng thêm nhiều.
Nam: Tôi ngỡ tôi là một thi nhân chiều nào lạc bước, dừng gót giang hồ bên cửa động Đào Nguyên.
Mấy cốc rượu đào chấp choáng hơn men, tôi định bước tới bên cạnh nàng tiên nữ.
Nữ: Nhưng em đã đi xa áo hồng bay phất phới, có kẻ bơ vơ chết lặng đứng bên thềm. (-)
Tân nhạc
Nam: Mộng mơ như ngàn lời thơ, quê hương là dáng hình em, bay bay áo dài trong gió thướt tha, trong nắng màu hoa. Trường đã tan, áo hoa đi về, áo xôn xao với hội hè, mai này nâng bước pháo hồng gần xa, thướt tha áo hoa.
Về vọng cổ
Nữ: 6/ Em đã đi xa vạt áo hồng thấp thoáng, mái tóc đưa hương theo ánh nắng ban chiều (-)
Nam: Em ơi, rồi đây sẽ có một người trong đêm vắng cô đơn nằm thao thức một mình trên gác nhỏ.
Nửa khuya giấc ngủ chập chờn
Nữ+Nam:Gởi cả tâm hồn theo tiếng hát môi em./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: