NƠI KỶ NIỆM
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
Nam: Ngồi xuống đi em, anh sẽ kể cho em nghe về con suối Ô Vàng.
Nơi kỷ niệm của mối tình đầu dang dở.
Ủa, sao em lặng thinh mà đôi mắt buồn vạn thưở
Nói đi em, kẻo ray rứt lòng anh…
LÝ CÁI MƠN
Nữ: Chiều bâng khuâng, chiều sâu nỗi nhớ
Nhớ suối xanh trong, ai ngồi nói câu chờ mong
Để vấn vương niềm chua xót, lắng sâu vào lòng
Càng yêu anh, em càng bâng khuâng
Nhớ thương ai đã mòn trông
Nhưng tan rồi cái câu ước hẹn … đầu … tiên.
VỌNG CỔ
Câu 1
Nam: Em ơi dù em chưa phải mối tình đầu nhưng anh rất quý vì em biết sống chân thành và qúy yêu người khác. Dù biết thế em cũng không giận hờn ghen ghét mà hết sức cảm thông cho hoàn cảnh trái ngang làm tan vỡ giấc … mơ … đầu.
Nữ: Con suối Ô Vàng bỗng hoá thành Tương giang hận để lỗi nhịp cầu.
Nam: Anh đứng lặng tiễn người thương sang bến lạ, bóng nhỏ xa rồi nghe trống lạnh giữa hồn anh. Nước mắt không rơi nhưng phải ghì môi lên chốt điểm, cuộc chiến bắt đầu hang nhím ngập hố bom. Trận điạ ở đây căng thẳng ngày và đêm, mà niềm riêng cũng lén về gọi buồn duyên lỡ.
Câu 2
Nữ: Anh ơi người con gái nào cũng e dè và lo sợ, khi giao trọn cuộc đời cho người mình qúy mình yêu. Canh cánh bên lòng những điều vơ vẩn, nợ duyên tan khóc số phận lỡ làng.
Nam: Một chuyến sang ngang là đau khổ bàng hoàng.
Nữ: Phận gái chúng em lấy thủy chung làm đạo lý, chấp nhận mọi phũ phàng để giữ lấy người yêu. Chị ra đi chắc đêm đêm chị khóc, nước mắt thương buồn ngập chuyến đò ngang. Có lẽ do chiến tranh cướp đi bao ước hẹn, xoá sạch những xóm làng vùi dập kỷ niệm tình yêu.
LỐI
Nữ: Ôi nghe anh kể một chuyện tình dang dở
Con suối Ô Vàng trắng mặt ngẩn ngơ
Pháo lại dội, giặc tràn trên trận địa
Anh không kịp buồn, phải nổ súng giữa giấc mơ.
LƯU THỦY HÀNH VÂN
Nam: Cơn gió thu tràn qua rung lá cây, làm lắng cơn bão lòng.
Giặc tan trong lúc trăng lên, lên đầy mặt sông.
Lòng rộn vui giữa câu ca yêu đời,
Còn niềm riêng vẫn lắng sâu … bồi ... hồi.
VỌNG CỔ
Câu 5:
Nữ:Thương quá người ơi thương về những năm tháng cũ. Thời gian dù đã đi qua nhưng vết thương lòng còn đọng lại kỷ niệm xưa là liều thuốc hồi sinh còn sống mãi … trong … đời
Dù em là kẻ đến sau mà vẫn bát ngát tình người. Em yêu anh, yêu vùng kỷ niệm, yêu cả người con gái dù đến trước em. Yêu cuộc đời anh gắn chặt với suối Ô Vàng, khi đã trải qua những đêm sương đầy gió nặng. Câu chuyện tình xưa anh làm quà tặng, như báu vật anh trao trong suốt cuộc đời mình.
Câu 6:
Nam: Cám ơn em, cám ơn mối tình chân thật, cám ơn mảnh đất này nâng dáng đứng cho tình yêu. Giang ơi anh đã yêu em thật nhiều, vì em biết sống cho tình đầy nhân ái. Thôi về nghe em, chiều đã xuống vàng đồng lúa, nắng thấp lưng đồi chim két gọi hoàng hôn.
Ta bước song đôi nắng ngả dài lưu luyến, để lại sau lưng kỷ niệm êm đềm.
Nữ:Suối Ô Vàng ơi suối Ô Vàng, tình mình gửi lại dưới làn nước trong
Nam: Lắng nghe những tiếng tơ lòng, gọi ta nhớ suối Ô Vàng đáng yêu
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.