TRƯỜNG CŨ TÌNH XƯA
Tân nhạc: Duy Khánh
Lời vọng cổ: Diệp Vàm Cỏ
NHẠC
Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ
Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ
Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa
May ra có còn đôi đứa vẫn yên vui sống đời học trò.
Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến
Hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm
Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên
Hoa leo phũ phàng đan kín, tiếng ve ru … nghe gợi buồn thêm.
VỌNG CỔ
1 - Đây một góc sân quen, đây hàng cây ghế đá. Tôi đứng nhìn em, tưởng em còn đó, vẫn tóc mây bay trong gió Thu... về.
Lòng thầm trách ai, sao nở quên thề!
Mình đã hẹn nhau ngày sau tao ngộ, ta sẽ cùng về thăm lại trường xưa (-). Nay giữa dòng đời trôi nổi đẩy đưa, biết ai đã về đâu, ai còn xuôi ngược. Tôi nhớ bạn bè như nhớ người yêu, bởi có tình nào đẹp hơn tình áo trắng. (Chầu : 1 xề, 2 xang như chầu của câu 2 để ca tiếp câu 5. Hoặc chầu 4 nhịp rồi ca nhạc:
Bạn cũ xa rồi, có người về đất buông xuôi
Năm ba đứa bạt phương trời, hai thằng chờ mùa thi năm tới
Ve ơi hát gì điệu nhạc lâm ly
Khóc người biền biệt sơn khê, cố nhân đi bao giờ mới về) .
5 - Dưới mái trường xưa, thầy xưa còn đó, lặng lẽ bao năm như ông lái đưa … đò.
Bao lớp người đi, bao lớp học trò.
Những thế hệ đã “thành nhân chi mỹ”, như thầm mang lại cho Người bao nỗi mừng vui (-). Nhưng dòng đời thì cứ mãi trôi xuôi, mà con đò nhỏ lại ngày thêm già cỗi. Để giờ đây, phấn bụi thời gian đã khiến đôi mắt thầy tôi nay phải mù loà.
Ca nhạc:
Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới
Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?
Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ
Vang trong nỗi niềm nhung nhớ
Có ai đi thương về trường xưa?!
6 - Bên mái trường xưa, mái trường xưa
Thu về rười rượi, gió lưa thưa
Thương thầy, nhớ bạn lòng lưu luyến
Chẳng muốn rời chân, bước hững hờ (-).
Ơi lối cũ đường quen sao mắt buồn rưng rức, mai mình về lưu bút lại ghi thêm!
Một người chưa kịp hỏi tên.
Áo dài đã khuất qua thềm rêu phong./.
Tân An, 15/10/2006 - 08/6/2009.
Diệp Vàm Cỏ tên thật là Bùi Văn Diệp, sinh năm 1958, quê quán xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cư trú phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện công tác tại Phòng Văn Nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Bắt đầu sáng tác thơ cho Tạp chí Văn Nghệ Long An từ năm 1982, rồi chuyển sang viết bài ca vọng cổ và kịch bản cải lương từ tháng 3 năm 1986. Đã viết cả trăm bài ca vọng cổ với các phong cách trữ tình, hài, dí dỏm... được Đài TNND TPHCM và các đài khác dàn dựng.
Một số bài nổi bật gồm: Em sẽ về đâu, Người tình cũ, Lý con sáo, Tình bậu muốn thôi, Đường về quê bác, Ký ức hoa đào, Kẹt tên, Ông già Đồng Tháp...
Ở thể loại kịch bản cải lương Diệp Vàm Cỏ đã có 03 kịch bản: Hồi xuân dược (Đoàn cải lương Long An dàn dựng năm 1993 và 2011; Đoàn cải lương Tây Ninh dàn dựng năm 1995; sau đó được Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng phát sóng, Mùa bông điên điển (Hãng phim Tây Đô – Đài Truyền hình Cần Thơ dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2000), Mặt trời qua đêm (Viết về chuyện tình Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền, Đài PT&TH Long An dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2005). Ngoài ra còn có hàng chục kịch bản hài do Đài PT&TH Long An dàn dựng, phát sóng trên kênh LA34 và SCTV.
Đặc biệt khi sáng tác bài ca tân cổ giao duyên thì Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc như các bài: Tôi yêu màu nắng quê nhà, Thanh long mùa trái ngọt, Tnh bậu muốn thôi, Yêu em như thuở binh nhì, Về với lý ngựa ô...Là một tác giả sáng tác bài ca vọng cổ có tâm huyết nên anh đã chủ xướng thể loại ''Vọng cổ ba câu'' để phù hợp với yêu cầu thưởng thức của người nghe hiện nay, thể loại nấy đã được HTV giới thiệu, hiện nay anh đã có một số bài ca vọng cổ ba câu được phổ biển. Đặc biệt với chùm bài ca ''Tri âm... khúc'' tặng riêng NSUT Mỹ Châu đã được thu thanh, quay hình và phát sóng là loạt bài ca không lệ thuộc vào khuôn khổ 4 câu 1, 2 5, 6 như xưa nay mà Diệp Vàm Cỏ viết với hình thức 02 câu, 03 câu được gối bằng 100% bài bản cải lương (Ngoại trừ bài tân cổ giao duyên ''Tri âm viễn khúc'' do Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc) khá thành công. Diệp Vàm Cỏ quả có duyên sáng tác để riêng tặng giới nghệ sĩ cải lương với nhiều bài: 10 bài Tri âm (Tặng NSUT Mỹ Châu), Con sáo đồng bằng (Tặng NSUT Trọng Hữu), Bà chúa thơ nôm (Tặng NSUT Thanh Thanh Hiền), Nhớ một vì vua (Tặng Soạn giả Viễn Châu), Tâm sự ông Hoàng (Tặng Nghệ sĩ Tấn Tài), Đời Nghệ sĩ (Tặng Nghệ sĩ Vũ Linh Vương). DVC đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000.
Với bài ca vọng cổ, Diệp Vàm Cỏ đã có một số giải thưởng ở các tỉnh, đặc biệt trong đó có Giải nhì (Không giải nhất) cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần I - tháng 9 năm 1992 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bài ''Lời ru'') và giải ba cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần III - tháng 11 năm 2011 (Bài ''Thương về chợ nổi''). Nhân đây, Tạp chí Sân khấu TPHCM xin giới thiệu đến bạn đọc bài ca ''Thương về chợ nổi'' của tác giả Diệp Vàm Cỏ.