PHÁP SƯ GIẢI NGHỆ
Tác giả Viễn Châu
Nói Lối:
Thôi, thôi, bỏ trống, bỏ cờ, bỏ âm binh, thần tướng,
Thầy hết thời đành giải nghệ cho xong,
Bỏ đèn nhang, bỏ tiền tổ mấy trăm đồng,
Bỏ con gà luộc với mâm xôi còn nóng hổi.
Vọng Cổ:
1. Chớ bà con cô bác nghĩ coi từ làng trên xóm dưới ai ai cũng biết thầy Tư ở cù lao cồng cộc, làm pháp sư đã ba bốn năm ............... đời. Nói không phải để khoe chớ tôi đây danh tiếng một thời. Bàn thờ nhà tôi lúc nào cũng đèn nhang đỏ hực, chính giữa ngồi chình ình một ông tướng thầy Ba. Còn kế bên là sư tổ huyền đàn, Đại Thánh Tề Thiên. Nếu con ma con quỷ nào mà nó dám làm càn quấy phá bệnh nhân, thì tôi đánh một cái ấn ngũ lôi, nó phải đầu hàng mà chun vô hủ phép.
2. Nói nhỏ bà con nghe nha, chữ quốc ngữ Tư tôi không thông mà chữ nho Tư tôi lại càng dốt đặc, vậy mà tôi lấy giấy vàng viết vô vài nét lăn quằn lít quịt, nói rằng để trấn quỷ trừ tà. Lớp thì đốt cho bệnh nhân uống, lớp thì dán tủm lum đầy cửa, đầy nhà. Nói thiệt với bà con nghe, đâu phải ai đau cũng chết, nhưng gặp thầy Tư tôi đây, chắc chắn cũng phẻ re. Còn gặp xui xẻo con bệnh mà hui nhị tì thì đó là, đó là tại ma quỷ bắt chớ Tư tôi đâu có bắt. Vậy mà suốt tháng, quanh năm tôi sống nhờ cái tài trốc quỷ, trừ ma.
3. Có một dạo nọ dì Năm Đẹt ở xóm trên á, xuống mời tôi coi dùm con gái dỉ đau điên quá nặng, tôi thấy dì ta ân cần tha thiết, tôi cũng động lòng làm phước, làm nhân. Tôi mới bảo, bảo thằng Bảy ngồi đồng, nó mang trống và mang cồn, thu thiếp lên đường cho sớm. Đó rồi kẻ xách, người mang, thầy khoe thầy giỏi, trò rằng trò khôn. Làm ăn chớ có bôn chôn, chủ nhà hà tiện cũng đền ơn một con gà.
Nói Lối:
Sau khi xem bệnh tôi mới bảo cùng gia chủ,
Bệnh tuy nhiều nhưng gia chủ đừng lo,
Cô em đây bị mắc bệnh con quỷ một giò,
Nó đã bắt hết ba hồn và bảy vía.
Vọng Cổ:
4. Đó rồi thầy trò tôi lập đàn ví trận, tiếng trống chiêng vang động cả đêm ........... trường. Tay tôi bắt ấn ngũ lôi, miệng hú vía kiệu hồn, này hỡi âm binh ơi, phương nào xiêu lạc, cây cao bóng mát, đầu bãi cuối bờ, dưng lệnh pháp sư, về đây nghe dạy, chủ gia thọ hại, thầy phải ra tay, thầy nhờ chúng bây, trừ yêu tróc quỷ, gặp đòi ma mị, mau bắt đem về.
5. Bà con cô bác ơi ................... Con bệnh nằm yên không nói, không rằng và cũng không cục kịch nữa, tôi biết rằng ma quỷ gặp mặt tôi thì nó phải kinh hồn. Cả nhà dì Năm ai nấy cũng vui mầng. Dì Năm dỉ nói, “Thôi, con tôi đã nằm yên, thầy Tư tự nhiên mà về nhà ngơi nghỉ.” Dỉ còn nhét vào túi tôi một cái bao thơ, trong đó đựng đâu năm ba trăm ngàn gì đó tôi cũng hổng biết nữa, và một nải chuối cau thật lớn, một dĩa xôi, với một con gà.
6.Trước khi kiếu từ gia chủ ra về, để chứng tỏ pháp sư có nhiều phép lạ, tôi dán thêm một lá bùa, tôi ra về ma quỷ không bén mảng tới đây. Tôi thì lui cui đốt mấy cây nhang, còn thằng đệ tử thì lo rót rượu, tôi hớp vào một hớp, mắt trợn dọc trợn ngang, phun vào bốn góc giường để trấn giữ bệnh nhân, ai dè đâu con bệnh thình lình ngồi dậy, nó rút bên vách một cái dao xắt chuối thật lớn, hai tay quơ loạn xạ làm thầy trò tôi phải tét da đầu. Lúc đó mạnh thầy, thầy dông, mạnh trò, trò chạy, tiền bạc mất tiêu, xôi gà văng ráo trọi, hào hển về được tới nhà, tôi mới đành giải nghệ pháp sư.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: