BÁC HỒ MỘT TÌNH YÊU BAO LA
Nhạc: Thuận Yến
Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Nhạc
Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.
Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân,
cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam.
Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa,
Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà.
Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng,
Bác thương người chiến sỹ đứng gác ngoài biên cương.
Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương.
Bác viết thư thăm hỏi gửi muôn vàn yêu thương.
Lý Cái Mơn
Đồng bào ta, ngàn năm thương nhớ
Bác mãi trong tim dâng tràn thiết tha tình thương
Ôi bao la tình yêu Bác chứa chan ngàn đời
Lòng dân luôn nghẹn ngào tiếc thương
Nhớ phút giây lìa xa
Người Cha già kính yêu dân tộc hùng anh.
Vọng Cổ
Bác Hồ… Ôi hai tiếng thiêng liêng mãi trong tim mỗi người dân đất Việt. Từ buổi ra đi tìm đường cứu nước đến phút cuối lìa xa Bác nâng niu tất cả chỉ… quên… mình.
Câu 1. Người là tinh hoa cao quý của dân tộc anh hùng.
Cả cuộc đời luôn đấu tranh sôi nổi,
Mong muốn tột cùng Tổ quốc độc lập tự do.
Trái tim Người đỏ tựa sao Hỏa sao Kim,
Đã sưởi ấm yêu thương cho toàn nhân loại.
Tình yêu đồng bào mãi mãnh liệt thiết tha,
Thương những cụ già đến từng em nhỏ.
Câu 2. Với trắng đôi tay và tình yêu nồng nàn Tổ quốc, cùng một trái tim nóng nung ngọn lửa căm hờn.
Bác đã ra đi từ bến cảng Nhà Rồng.
Luôn nuôi chí bền mãi ngày đêm tâm huyết,
Xóa kiếp nô lệ gông xiềng diệt đế quốc thực dân.
Người không yên lòng giấc ngủ của dân công,
Thương những chiến sỹ ngoài biên cương giá lạnh.
“Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc,
Bạn muôn đời của thế giới đau thương”.
Nhạc
Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.
Cả cuộc đời rất thanh cao không gợn chút riêng tư,
mãi ngàn đời ngát hương thơm trong tâm hồn Việt Nam.
Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh,
Bác đem mùa xuân về mang hoa đẹp cho đời.
Bác như bài dân ca ru em bé vào đời,
Bác như vì sao sáng sáng giữa trời bao la,
như cánh chim không mỏi bay khắp trời quê hương,
xin khắc sâu ơn Người trong tâm hồn Việt Nam.
Lý Con Sáo
Luôn trong tim
Ôi vị Cha già kính yêu
Mãi rạng ngời ngát thơm
Khắp quê hương dân tộc anh hùng
Hai tiếng thiêng liêng vang vọng ngàn đời
Nơi tâm hồn mỗi người dân nước Nam
Bác thanh cao không gợn chút gì riêng
Cả cuộc đời vì nước non đấu tranh
Ước mong sao Tổ quốc được bình yên.
Vọng Cổ
Bác ngủ không yên bữa cơm bỗng dừng nấc nghẹn, bởi Bắc – Nam chưa liền nối dải… sơn… hà.
Câu 5. Khi dân ta còn đói khổ cơ hàn.
Đàn cháu nhỏ áo quần lấm lem rách vá,
Những cụ già không đủ áo ấm cơm no.
Khát vọng hòa bình độc lập tự do,
“Bác đem ánh mặt trời xua màn đêm giá lạnh”.
Người đã tìm ra con đường cứu nước,
Để Tổ quốc mãi mùa xuân hạnh phúc thanh bình.
Câu 6. “Bác sống như trời đất của ta”,
Mãi ngát thơm trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt.
Cuộc đời thanh cao không tì vết gợn,
Sống mãi muôn đời trong tim nhân loại lòng dân.
“Bác như vì sao sáng sáng giữa trời bao la”,
Yêu Tổ quốc đồng bào yêu từng nhành cây ngọn cỏ.
Thương kiếp gông xiềng đêm dài nô lệ,
Tất cả chúng con mãi ghi khắc ơn Người.
“Tháp Mười đẹp nhất bông sen
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”
Tình yêu tha thiết vô bờ
Dành cho nhân loại, đồng bào bao la ./.
Long Xuyên, ngày 18 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---