BÁC ƠI! THƯƠNG NHỚ NÀO NGUÔI
Soạn giả: Trọng Nguyễn
Ngâm thơ
Dù xa xôi cũng đến
Dù già yếu cũng đi
Miền Nam ơi, miền Nam trong trái tim tôi...
VỌNG CỔ
Câu 1 - Miền Nam trong trái tim tôi dù già yếu cũng đi dù xa xôi cũng đến, bạn bè ơi, có nghe lời Bác gọi, mà tim mình thổn thức khi chưa rước Bác vào Nam để trên đất Thăng Long ngày đêm Bác thương nhớ khôn cùng…Mỗi sáng Bác vẫn đi dù sương gió lạnh lùng... Bác biết mình tuổi cao sức yếu muốn đến với miền Nam là phải vượt Trường Sơn. Sợ bận bịu các con Bác luyện tập đôi chân, đi cho thật khỏe như bàn chân vạn dặm. Ôi những con đường Bác đã thấm mồ hôi, vì miền Nam Bác có quảng gì tuổi già sức yếu...
Câu 2 - Bác ơi! Bây giờ con đến lăng thăm Bác, nước mắt ngậm ngùi chảy xuống quanh lăng. Con tự trách mình không kịp rước Bác vào Nam, để chuyến đi xa Bác đi mãi không về.
Bác tha lỗi cho con trong từng trận đánh còn quá vụng về. Bác đã truyền lệnh cho chúng con “Vì độc lập vì tự do, đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp con nào vui hơn". Con đã chậm chân nên về đây đứng khóc, khóc suốt đời mình chưa vơi bớt nỗi xót xa.
Ngâm
Con về quê Bác.
Phía mặt trời lên là núi Huệ.
Bỉện rộng sao nhà quê ngoại gọi Làng Sen.
Nơi có dòng Lam Giang thuở ấu thơ Bác thường ra tắm.
Ôi con sông hiền hoà trong mát quanh năm.
VỌNG CỔ
Câu 5 - Người vẫn chuyền đưa bàn tay lướt êm trên từng hiện vật rồi dừng lại thật lâu bên khung cửi, đôi mắt mơ màn nhìn Núi Chung trước mặt giọng đã khàn hơi, lời nói thì thầm đứt quản như đang nói với người xưa ngần ấy vô.....cùng.
Theo cánh tay con nhìn sang núi Huệ mây trắng bồng bềnh. Mẹ của Bác đang nằm ở đó, trọn đời người bên khung cửi hẩm hiu. Bà dệt đoạn vải cuối cùng định may áo cho con, đã thành vải liệm và vành tang trắng. Bác ơi con đứng lặng nghe cổ mình đăng đắng, nhìn núi Huệ mờ xa trong mây khói lam chiều.
Câu 6 - Ôi ! Từ những đau buồn mất mát, từ nỗi nghèo của quê nhỏ Làng Sen, cùng với nỗi đắng cay của người dân nô lệ. Bác ngậm ngùi giã từ núi Huệ một đêm mưa. Để bây giờ trong tim con có Bác, có đất nước này và tình thương nhớ nào nguôi. Bác ơi ! lúc sanh thời con không được gặp, lúc Bác đi xa con không kịp tiễn đưa. Đến bây giờ gần hai mươi năm chẳng, con mới về thăm và được khóc bên người.
Ơi hơn hai mươi năm khoảng cách thời gian, không làm phai nhạt nỗi lòng của con.
Bác đã cho con đôi bàn chân vạn dặm, bằng những con đường Bác đã thấm mồ hôi./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.