NGƯỜI VỀ THĂM QUÊ
Nhạc: Thuận Yến
Vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Trình bày: NSƯT Minh Vương - NSƯT Cẩm Tiên
Nhạc
Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương
Người về đây thăm làng Chùa quê Mẹ và làng Sen quê Cha
Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ
Thương mái nhà tranh thương đất Mẹ nghèo
Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương
Gặp lại tiếng thoi Mẹ ngồi dệt vải
Gặp lại giọng trầm đêm trăng Cha đọc thơ
Gặp lại tuổi xuân đi nghe hát ơ đò đưa.
Hồ Chí Minh
Người về thăm quê mang theo bao nhiêu kỉ niệm
Hồ Chí Minh
Người để lại quê hương nỗi nhớ không nguôi.
Vọng Cổ
Câu 1. Ngày Bác ra đi quê nhà còn chìm trong lửa khói. Từ mảnh đất Kim Liên, làng Sen quê Nội, lòng yêu nước thương dân đã nhen nhóm giữa... tim... Người.
Quyết tìm độc lập – tự do cho rạng rỡ nét môi cười. Nơi Bến Nhà Rồng bước chân Người in dấu, một cuộc hành trình đi cứu lấy non sông. Năm mươi năm tròn mới trở về thăm, thương mái nhà tranh, thương đất nghèo quê Mẹ. Gặp lại giọng trầm đêm ấy của Cha, dào dạt thiêng liêng đậm đà xứ sở.
Lý Cái Mơn
Người về thăm làng quê yêu dấu
Ngan ngát hương sen Nam Đàn sắt son chờ mong
Gió reo vang ngàn hoa nở mừng vui Bác về
Hàng cau xanh tháng năm dài ngủ mê
Bỗng nhớ thương trào dâng
Bên khu vườn tuổi thơ ấm ngọt tình quê.
Câu 2. Khung cửi vẫn còn đây mà vắng dáng hao gầy của Mẹ, Bác lặng lẽ hồi lâu trong giây phút ngậm ngùi. Người muốn thức lại đêm xưa, để nghe êm ả tiếng ru hời. Nước mắt chợt rơi bồi hồi, xúc động, thương đôi tay guộc gầy đưa cánh võng ngàn đêm. Đi suốt cuộc đời vẫn giữ mãi trong tim, là thơm ngát hương sen quyện lời ru của Mẹ. Một ngày đi xa ngàn người mong đợi, tình Bác dạt dào như dòng chảy sông Lam.
Lý Con Sáo
Xa quê hương
Bác vẫn trọn tình yêu thương
Thương làng Chùa, làng Sen
Thương Kim Liên mảnh đất quê nghèo
Thương nhân dân còn đói khổ, cơ hàn
Nơi Bến Nhà Rồng năm xưa Bác đi
Cứu non sông bằng cao cả tấm lòng son
Ngày trở về bên mái tranh tuổi thơ
Phút bâng khuâng giọt nước mắt thầm rơi.
Vọng Cổ
Câu 5. Hồ Chí Minh – Người là quê hương, là sông Lam chẳng cạn. Luôn ngào ngạt yêu thương mạch nguồn lai láng, là đài hoa sen tỏa ngát... hương... đời.
Là vầng dương soi sáng rạng ngời. Đi giữa ân tình hương sen bát ngát, Người gặp lại màu cờ nhuộm thắm sắc hoa. Hòa quyện với tình người, hương cốm quê Cha, dẫu có đi xa ngàn năm vẫn nhớ. Ơi đất làng Sen, vạn đóa sen hồng đua nở, mừng đón một đài hoa cao cả thơm lừng.
(8 nhịp cuối câu 6)
Câu 6. Bác đi rồi… còn giọt nước mắt rưng rưng, tưới âm thầm trên từng nhành hoa, ngọn cỏ. Người về thăm quê sau năm mươi năm trời thương nhớ, bởi bận dệt ánh dương hồng tô rạng rỡ non sông.
Nhạc
Đi giữa ân tình giữa bát ngát hương sen
Một ngày đi xa ngàn người mong đợi và ngàn năm không quên
Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ
Thương cánh võng đưa ru tiếng ngọt ngào
Đi suốt cuộc đời mới về thăm quê hương
Gặp lại sắc hoa của màu cờ đỏ
Gặp lại tình người trong trang thơ Nguyễn Du
Gặp lại vị quê trong hương cốm ơ mùa thu
Hồ Chí Minh
Người là quê hương như sông Lam chẳng cạn
Hồ Chí Minh
Người là đài hoa sen toả ngát hương đời
Hồ Chí Minh
Người là quê hương như sông Lam chẳng cạn
Hồ Chí Minh
Người là đài hoa sen toả ngát hương đời
Người là đài hoa ...sen.... toả ngát.... hương... đời./.
_______________________________
Long Xuyên, ngày 19 tháng 5 năm 2016.
(* Bài tân cổ NGƯỜI VỀ THĂM QUÊ được NSUT Minh Vương - NSUT Cẩm Tiên ca trong Chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc Kỳ 181 trực tiếp trên Đài HTV9 ngày 02/6/2016)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---