ĐẤT ĐỎ GIỮA TRƯỜNG SA
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Con: Con chào đời trên mảnh đất miền Đông
Khi Bắc – Nam mừng vui ngày thống nhất
Mẹ: Trận đánh sau cùng mẹ hay tin cha mất
Con bú giọt sữa đầu đời là giọt nước mắt mẹ…
Vào Nam Ai
… rơi.
Nín đi con ơi đất nước đã thanh bình
Tân Uyên quê mình không còn nữa cảnh điêu linh
Dòng sữa ngọt thơm quyện lệ chảy thâm tình
Con: Bao gia đình hạnh phúc buổi đoàn viên
Riêng cha không kịp về bên mẹ cùng con
Chiến khu Đ bao trận đánh dấu chân mòn
Để giải phóng quê nhà nước non
Mẹ: Lời hứa với cha mẹ đã làm tròn
Nuôi dạy con khờ khôn lớn thành nhân
Đến khi Tổ quốc cần
Luôn sẵn sàng dù phải hy sinh
Con: Giữa Trường Sa con lắng nghe từng lời mẹ dặn
Chắc súng trong tay quyết canh giữ biển trời
Hải đảo quê hương muôn thuở rạng ngời
Dòng máu anh hùng mãi sục sôi.
Vọng Cổ
Ngày con đi mẹ gói ghém tâm tư qua ánh nhìn trìu mến. Để màu đất đỏ quê hương thấm hồn tim lai láng, giữa sóng biển trùng khơi bầu bạn với… con… khờ.
Câu 1. Chuyến tàu chở theo niềm tin khát vọng mong chờ.
Mẹ: Mười tám năm sau ngày giải phóng,
Con hăng hái lên đường để bảo vệ Trường Sa.
Con: Thắp nén nhang lòng con gửi về cha,
Đêm Sơn Ca ngỡ quê hương nhà Đất Cuốc.
Nắm đất đỏ còn thơm mùi xương máu cha anh,
Đã cùng con giữ canh biển trời thiêng liêng Tổ quốc.
Thơ
Ngày đi mẹ nắm tay cha
Lúc về nước mắt quyện hòa cốt xương
Mẹ: Để ngời sáng mãi quê hương
Máu hồng tô thắm Bình Dương anh hùng.
Câu 2. Mẹ nhớ như in ánh nhìn của cha con đêm cuối, chân bước ra đi mà như trăn trối điều gì.
Lẫn với gió sương lời nói thầm thì:
Nếu lỡ mà tui về không kịp,
Em vượt cạn một mình đừng buồn giận nghen hôn.
Nhớ đặt tên con là Hòa Bình và nuôi dạy lớn khôn,
Nối bước ông cha bảo vệ sơn hà gấm vóc.
Con: Ngày Bắc – Nam hai miền thống nhất,
Con cất tiếng khóc chào đời để tiễn đưa cha.
Nói Lối
Bốn mươi năm - tuổi con bằng ngày giải phóng
Hố bom thù nay thôi đọng máu hờn căm.
Mẹ: Thịt xương cha quyện đất đỏ ươm mầm
Cho những chồi non vươn mình lớn dậy.
Vọng Cổ
Để Tân Uyên quê mình đẹp rạng ngời lộng lẫy. Như hai tiếng tên con Hòa Bình năm ấy cha đã gửi trọn niềm tin bỏng cháy… trong… lòng.
Câu 5. Là mai sau con lớn khôn trả nợ tang bồng.
Con: Cha ơi, mấy mươi năm nơi Trường Sa biển đảo,
Con luôn vẹn chí anh hùng người đất đỏ miền Đông.
Quyết đem máu xương mình để bảo vệ non sông,
Trước lũ xâm lăng mãi đêm ngày rình rập.
Mẹ: Muôn nỗi nhớ thương hơn nửa đời chưa khỏa lấp,
Nhìn thấy con đây mẹ cứ ngỡ gặp cha về.
Câu 6. Tổ quốc mình đâu đâu cũng quê hương,
Đất đỏ giữa Trường Sa là hồn cha con đang dõi bước.
Con: Mẹ ơi ngọn súng giương cao giữa bốn bề sóng nước,
Ngày đêm canh giữ biển trời con gặp được tình cha.
Con sóng muôn trùng giữa biển cả bao la,
Dang rộng vòng tay chở che cho sơn hà hải đảo.
Mẹ: Bốn mươi năm đã bốn mươi lần ngày giỗ,
Trên mảnh đất Tân Uyên hoa vẫn nở thơm lừng.
Nhớ ngày đại thắng mùa xuân
Nỗi niềm chất chứa vui mừng xiết bao
Con: Vẹn nguyên hào khí năm nào
Máu hồng cha đổ lệ trào tim con./.
Long Xuyên, ngày 31 tháng 8 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---