ANH ĐI XA CÁCH QUÊ NGHÈO
Soạn giả Viễn Châu
Hoài cầu
Mưa gió lạnh triền miên, đêm đã khuya
Ngàn nhớ nhung hiện về
Năm xưa, ta đón đưa nhau bên bờ sông xanh
Nhưng giấc mơ sum hiệp không thành.
Mưa gió tạt lều tranh không chiếu chăn.
Đời sớm trưa một mình.
Chia tay, em ở anh đi bao ngày xa xôi
Thương nhớ ai phiêu bạt phương trời
Vọng cổ
Câu 1
Mưa bão đêm qua nên đường đất ven sông trở nên lầy lội, gánh bún trên vai dọc theo bờ cỏ rối mãi chờ anh nên chẳng vội sang... đò. (-)(-) Em mến thương anh qua chiếc áo học trò. (+) Trên đường xuống chợ mình cùng chung lối ngỏ, chưa dám trao lời nhưng lòng rộn niềm mơ. (SL) Xuân đã về trên bến cũ hay chưa, mà đôi mắt em xanh, đôi má em hồng? Rồi lúc quay về, đêm lại từng đêm. Dấu kín trong tim một chuyện tình bé nhỏ./-
Câu 2
Anh khen mãi đôi tay em đã tròn lại trắng. Em cố cười duyên nhưng e thẹn trong lòng. (-)(-)
Muối ớt anh nêm cho thêm ngọt thêm nồng. (+) Muối Ba Động nặng tình đôi lứa, ớt đầu bờ thắm thía vị yêu đương. (SL) Nhìn anh học trò rảo bước đi nhanh. Khi nghe tiếng trống trường giục thúc. Em cất tiếng nói thầm trong nguyện ước. Cho em với chàng sớm được tròn duyên./-
Hoài cầu
Xa cách một thời gian anh ở đâu?
Ngàn nắng mưa dãi dầu.
Quê xưa, năm tháng ưu tư như chờ mong anh
Em ở đây hiu quạnh một mình.
Vọng cổ
Câu 4
Nhớ không anh, trên đường qua xóm vắng, gánh bún trên vai mùi thơm theo gió lộng, em vẫn chờ anh khi tiếng trống tan... trường. (-)(-) Anh đã đưa em suốt một quãng đường. (+) Em khuyên anh ráng lo ăn học, để sau này đỗ đạt thành danh. (SL) Anh dặn em ráng tần tảo bán buôn, mai sau thành chồng vợ sống vui niềm hạnh phúc. Em e thẹn vội che khăn cúi mặt, dưới hàng me lác đác rụng bên đường./-
Câu 5
Thế rồi anh ra đi không trở về quê cũ. Hai mươi năm đăng đẳng qua rồi. (-)(-) Còn nhớ không anh những kỷ niệm xa vời. (+) Bánh óng Ba Se thơm mùi gạo mới, thuốc rẫy Nhị Trường bát ngát mùi hương. (SL) Hò ơ… dưa nào ngon bằng dưa Bàu Cát, bắp nào ngọt bằng bắp Mỹ Hòa. Mưa nắng hai mùa, nhọc nhằn sớm tối, dù bao nhiêu năm em vẫn đợi anh về./-
Câu 6
Hai mươi năm sống đời hiu quạnh, em vẫn nặng nề với gánh bún trên vai. Anh học trò nghèo giờ như cánh chim bay, theo mây gió đến nẻo trời xa lạ. Vùng Thanh Lệ hàng me còn xanh lá, xóm Tri Tân cây điệp vẫn đơm bông. Đa Lộc, Phước Hưng, Tập Ngãi, Đại An, sao ai không nhớ xóm làng xơ xác. Đất cũ Đôn Châu quê nghèo mộc mạc đang chờ anh trở gót quay về. (SL) Anh ơi, đám bắp trổ cờ, rẫy cắn đơm bông. Như trang điểm để đợi chờ anh đó.
Anh đi xa cách quê nghèo.
Nhớ bún nước lèo hương vị xứ mình không?./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: