BẠCH HẢI ĐƯỜNG
Soạn giả Viễn Châu
Nói lối
BHĐ : Thu! con ơi trước khi từ biệt, cha cho con được biết:
Cha đây chính là… cha ruột của con. Khi cha can tội giết người lãnh án chung thân, trong lúc ấy con vừa tròn một tuổi.
Nam Ai
Thu ơi! con hãy bước lại gần… cha (--)
Để cho cha (+) được nhìn mặt con mình
Sau ngày lãnh án chung thân (--)
Nay đã mười tám năm trường. (+)
Tháng năm dài nơi hải đảo xa xăm
Không tin nhà, không một kẻ viếng thăm
Kể sao hết nỗi nhọc nhằn (--)
Của một kiếp tù nhân. (+)
Còn chi khổ hơn cái cảnh tội tù
Thân bầm dập (+) bởi những trận đòn roi
Nơi hải đảo muôn trùng (--)
Là địa ngục (+) trần gian. (+)
Giấc ngủ không yên từng đêm trong khám lạnh
Nhớ quê hương (+), nhớ vợ yếu con khờ
Vượt trùng dương cha về đến quê nhà
Là mong gặp lại người thân (+).
Vọng cổ
THU : 1/ Cha ơi! cha ơi, nghe cha kể lại quãng đời gian khổ, thì con mới biết con đây còn có người cha ruột. Đang mang án tù chung thân nơi hải đảo… xa… vời.
Một quãng thời gian mười tám năm trời.
Từ bé đến nay con sống trong vòng tay người dưỡng phụ, với cuộc đời nệm ấm chăn êm.(+)
Trong khi đó thì ngoài muôn trùng hải đảo xa xăm, cha phải cam mang án lưu đày.
Nhìn thân hình của cha tiều tụy xanh xao, con thêm xót xa tình thiêng liêng phụ tử…
(3 nhịp nói lối)
BHĐ : Con ơi! gia đình của ta trước kia sống trong cảnh thuận hòa êm ấm, nhưng sau đó lại trở thành cảnh dâu biển tan thương. Mẹ của con là một người đàn bà ích kỷ tham lam, đã xô cha ngã gục giữa bức tường lao lý.
THU : 2/ Cha ơi! bổn phận làm con thì con đây đâu dám buông lời phiền trách mẹ, mà con chỉ trách trời cao sao nghiệt ngã vô cùng.
Một dĩ vãng đau thương nay mới rõ ngọn ngành.
Mười mấy năm nay con sống bên người xa lạ, nhưng con đâu biết cha ruột của mình là một kẻ tù nhân.(+)
Trời ơi! cây muốn lặng mà gió chẳng dừng, người muốn bình yên sao cuộc đời lại quái ác?
Cho nên ngày đoàn viên phụ tử, cũng chính là ngày cốt nhục lại lìa xa…
Ngâm
THU : Sóng gợn trùng dương bạc nét gành
Cuộc đời tù tội oán trời xanh.
Con là giọt máu nhiều oan nghiệt
Dĩ vãng hôm nay rõ ngọn ngành.
Trường Tương Tư - Lớp chót
BHĐ : Thu, con ơi mười tám năm… qua, thời gian đăng đẳng
Hình bóng quê nhà, cha thương nhớ khôn nguôi.
Cho đến một hôm, giữa đêm mưa gió
Trên một chiếc bè, cha vượt ngục trở về đây.
Nhưng số phận quá chua cay (--)
Lại thêm một lần (+), phải mang án chung thân
Đành mãn (--) kiếp lưu đày. (--)
THU : Tai biến dập dồn, đày ải xác thân
Cha chịu lắm điều gian truân (--)
Con có biết đâu, thảm cảnh của gia đình.
Vọng cổ
BHĐ : 5/ Con có biết không? có những đêm cha nghe tiếng sấm sét rền vang, theo tiếng mưa rơi ngoài vách đá. Trong ngục tối âm u chỉ nghe có tiếng côn trùng tỉ tê trên cành cây kẽ lá, như khóc như than cho số kiếp… lao… tù.
Hướng nẻo quê hương sao xa thẵm mịt mù.
Có những ngày ra núi sau đập đá, nhìn thấy khói trắng bay đầy trên mặt biển bao la.(+)
Tiếng còi tàu vọng lại từ xa, như tiếng thét của một người tuyệt vọng.
Nhớ vợ, thương con từ phương trời xa thẵm. Nước mắt từ đâu ràn rụa xuống vai gầy.(+)
THU : 6/ Cha! Cha ơi con có ngờ đâu Bạch Hải Đường - một tướng cướp, lại là một người cha vô phước của con.
BHĐ : Con ơi! lần đầu tiên cha gặp lại con, thì cũng là lần sau cuối chia lìa tình phụ tử.
(THU : Cha! Cha…) Không được sống gần con để chăm lo dạy dỗ, để cho con phải sống nhờ bên dưỡng phụ đến ngày nay.
Con ráng! con ráng lo học hành đừng để thua chị kém em, ráng gìn giữ nết na phẩm hạnh.
Còn cha thì trong lao ngục suốt đời lãnh án, cho đến khi cốt rụi xương tàn.(+)
(THU : Cha…ơi!) Nếu sau này có ai hỏi đến tên tướng cướp Bạch Hải Đường, thì con hãy trả lời rằng: “cha tôi không phải là một kẻ sát nhân khát máu!”.
Nhưng số phần cay nghiệt, phải chịu lưu đày nơi côn đảo xa xăm.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: