BIÊN GIỚI VỀ KHUYA
Soạn giả Viễn Châu
LỐI:
Tay vin cành lá tay ghì súng
Từng bước anh đi cạnh chiến hào
Róc rách bên bờ con suối chảy
Hẹn cùng tiếng hát vẳng bay cao
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Tiếng suối đâu đây hòa lẫn với tiếng gió rừng vi vút thổi, anh nghe như bản hùng ca của ngày đưa tiễn mà hôm nay nghe xao xuyến khúc nhạc đêm … rừng. Biên giới về khuya trong sương khói chập chờn, lửa lồ ô sưởi ấm từng đêm lạnh nghe nặng tình đồng đội nhiều thêm, tiếng quốc gọi đàn hay tiếng chuyển sang canh, nhắc súng trên tay anh tới điểm canh phòng, trăng thượng tuần soi tỏa bước anh đi, bên những chiến hào còn vương mùi khói súng.
Câu 2:
Theo gót chân anh có từng con đom đóm nhỏ như muốn cùng anh soi tỏa lối vuông … mòn. Súng chắc trên tay anh qua mấy đoạn đường, đêm từng đêm nơi tiền đồn biên giới mắt không rời khoảng tối mịt mù sương, mắt anh nhìn xuyên qua lớp màn đêm, tai anh nghe rõ từng bước chân dã thú, quyết gìn giữ cõi bờ cương thổ dẫu trăm ngàn gian khổ chẳng hề nao.
LỐI:
Giơ cao nồng súng anh sẵn sàng nhả đạn
Bất cứ nơi nào có bóng dáng lũ xâm lăng
Rừng im hơi theo cành lá ngụy trang
Anh nhẹ bước trên đường khuya tăm tối.
Câu 5:
Trận gió lao xao lướt qua chiến hào còn vương mùi khói lửa nhìn lá cờ sao tung bay trước gió nhìn như giục giã lòng trai đang khơi dậy chí kiên … cường. Qua từng cơn gió lạnh vai áo anh thêu bằng những cánh hoa rừng, những cánh hoa thơm mùi hoang dã bên rẫy lúa vàng phảng phất mùi hương, anh hướng nhìn về đất nước thân thương lòng chiến sĩ thêm soi bầu nhiệt huyết tình yêu nước là tình yêu bất diệt nên lòng hy sinh cũng không bến không bờ.
Câu 6:
Tiếng gà rừng chợt lanh lảnh gáy vang bóng tối dần tan bình minh lại đến, anh dừng bước bên chiến hào nơi giới tuyến mắt hướng nhìn cánh đồng ruộng bao la, em vững tay cày cho mảnh đất nở thêm hoa để xây dựng cho vững bền sông núi, anh chắc tay súng nơi tiền đồn biên giới, ngày đêm lo đánh đuổi quân thù. Bình minh rồi ríu rít tiếng chim ca mấy cành hoa dại khoe mình trong nắng sớm, lau báng súng còn ướt dầm sương buổi sáng anh mỉm cười tin tưởng một ngày mai.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: