BÔNG SÚNG VÙNG VEN
Tác giả Út Bình Điền
Thơ
Nam: Anh đến quê em mùa hoa súng nở
Cái ao làng đang nhú những hoa non
Nữ: Em ngồi bên anh nhìn hoa súng đỏ
Thoảng hương dìu dịu… màu đỏ sắt... son…
Vọng cổ
Câu 1
Nam: Anh nhìn trên mặt ao ngỡ như tấm thảm dệt đầy màu hoa tím đỏ ôi đẹp làm sao màu hoa súng của... quê… mình.
(-)(-) Hoa đỏ thân thương ghi biết bao tình.
Nữ: Anh ơi! Hoa súng không thơm ngào ngạt; Thoang thoảng hương đồng như cô gái vùng ven.(+)
Nam: Em bẽn lẽn trao cho tôi chùm hoa súng; Ánh mắt thẹn thùng của buổi mới quen.
Mình ngồi bên nhau lồng lộng gió chiều; Hai má em hồng như màu hoa súng đỏ.
Câu 2
Nữ: Anh ơi! Dù hoa có tàn có héo; Nhưng màu đỏ sắt son vẫn mãi không tàn.
(-)(-) Em yêu anh, giàu sang địa vị không màng.
Nam: Em là cô gái vùng ven hoa đồng cỏ nội; Như hoa súng đỏ bình dị thủy chung. (+)
Anh sẽ trở lại vùng ven tìm về ao làng hoa súng; Tìm em cô gái dịu hiền tóc xõa ngang vai.
Nữ: Ta bước dài trên đường làng tắt nắng; Cùng im lặng nhìn hoa súng đỏ tình yêu…
Thơ:
Nữ: Anh đến nhà, em đãi mắm kho, bông súng,
Bữa cơm nghèo đậm hương vị quê hương.
Nam: Ngon lắm em ơi! Ngon hơn mỹ vị cao lương
Bữa cơm ngon này anh luôn nhớ... mãi...
Vọng cổ
Câu 5:
Nữ: Anh ơi! Nhà em nghèo không món ngon vật.. lạ; Mời anh dùng với em bữa cơm mắm kho, bông súng... quê… mình.
(-)(-) Đạm bạc đơn sơ em gởi gắm chân tình.
Nam: Em ơi! Đừng cười anh sao ăn hoài, ăn mãi; Bữa cơm ngon này anh nhớ không quên. (+)
Em ơi! Bông súng mà chấm mắm kho,
Ăn vào mãi nhớ, mãi chờ đợi nhau.
Nữ: Anh ơi! Bông súng mà chấm mắm kho,
Đậm đà hạnh phúc chẳng lo chia lìa! (4 nhịp)
Câu 6:
Nam: Mấy năm sau tôi trở lại vùng ven, cái ao cũ không còn bông súng nở.
Đã mất rồi tấm thảm đỏ ngày xưa; Còn đâu nữa những hoa non mới nhú
Tôi trầm ngâm nhớ ngày đầu tiên gặp gỡ; Nhớ bữa cơm nghèo bông súng, mắm kho.
Nữ: Anh ơi! Vùng ven hết rồi hoa súng nở; Nhưng em vẫn vẹn gìn /một màu đỏ sắt son.
Nam: Ao súng thành sân ngôi trường đang xây dựng; Nhưng vẫn vẹn nguyên kỷ niệm trong lòng. (xề 24)
Nữ: Nồi mắm kho lần này cũng tự tay em nấu; Nhưng không đậm đà vì thiếu bông súng vùng ven
Nam: Em ơi, mắm kho bông súng đậm tình, trong hai thiếu một như mình thiếu nhau.
Tác giả Út Bình Điền khi 13 tuổi đã biết sáng tác thơ văn và có nhiều bài đăng trên báo Tuổi thơ (Sài Gòn) lúc bấy giờ. Đến năm 23 tuổi đã có bài vọng cổ đầu tay “Dấu buồn trên cát”. Những sáng tác của anh chất chứa nhiều nỗi niềm riêng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình thầy cô, bạn bè… Ngoài bút danh Út Bình Điền, nhiều người còn biết đến anh với tên gọi khác như: Út Mót, Hoàng Hải.