CÁNH NHẠN CHIỀU ĐÔNG
Hoàng Song Việt
LỐI:
Lá thu rơi. lá thu rơi.
Thu tàn chưa hỡi tỷ phu ơi,
Để em gom lá nhen bếp lửa
Sưởi ấm con tim giá lạnh rồi.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Em không trách trời cao sao khiến xui chi cho chúng mình gặp gỡ. Mà chỉ trách cho em cửa lòng sao vội mở rồi góp nhặt yêu thương xây mộng giữa tâm… hồn.
Và mong gót phiêu linh người gối mỏi chân chồn, dừng lại nơi đây trên sườn non lộng gió, giấc mộng sông hồ vứt bỏ lại sau lưng, quên đất trời Đại Lý bụi mù bay, quên trăng nước Giang Nam mời gọi khách đa tình, chỉ giữ cho mình một tên gọi Kiều Phong là tiếng nhạc lòng của cô gái mù A Tỷ.
Câu 2:
A Châu ơi tại sao em lại là em của chị, là con của Trấn Nam Vương Đại Lý họ Đoàn?
Để tình huyết nhục, nghĩa yêu đương không thể giữ vuông tròn. Người của em yêu lại là người yêu của chị để em phải nghẹn ngào gọi ba tiếng tỷ phu ơi.
Tại sao Kiều Phong lại là Bắc Tiêu Phong, để tình ngang trái mang thêm thù gia tộc. Chị khổ chàng đau em sầu cho số kiếp như cánh nhạn buồn hiu quạnh giữa chiều đông.
LỐI:
Em biết tình em chỉ đơn phương
Tối như đôi mắt phủ màn sương,
Rồi khi ánh sáng tràn muôn lối
Chỉ thấy đau thương với đoạn trường.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Du Thản Chi ơi người dâng tặng cho ta làm gì đôi mắt sáng, để ta nhìn thấy Kiều Phong lao mình trong vực thẳm cùng chết với A Châu cho vẹn chữ chung …… tình.
Ánh sáng chỉ làm cho ta thêm hận tủi cho mình. Xin trả lại cho người đôi mắt ấy để ta quay về với đêm tối của đời ta.
Nơi chỉ mình ta với hình bóng của Kiều Phong, hình bóng đẹp dù chỉ mơ hồ như ảo ảnh và những chiều đông một mình trong gió lạnh ta còn được nghe văng vẳng tiếng ai cười.
LÝ CON SÁO:
Đêm hoa vương
Ai khóc bên bờ lau thưa,
Não nùng theo gió xa đưa,
Tên ta ai gọi giữa mưa buồn
Phải chăng tiếng gọi của chàng?
Không. Bên cạnh chàng A Châu đang hát ca
Hạnh phúc nên đâu ai nhớ nhung gì ta.
Một mình ta trong bóng đêm.
Khóc cho ai mà gió mưa triền miên.
(Về vọng cổ câu 6)
Gió đông ơi xin đừng than khóc nữa vì cõi lòng ta băng giá tự lâu rồi.
Ta như chiếc nhạn lưng trời.
Ngã nghiêng trong gió rã rời dưới mưa.
Tìm đâu một chút hương thừa
Cho vơi cay đắng, cho vừa nhớ thương./.
Bút danh: Hoàng Song Việt - Phạm Thái Nguyên - Nguyễn Hoàng Minh Khôi - Nguyễn Phương Hồng Anh - Nguyễn Trung Thành ...
Soạn giả Hoàng Song Việt tên thật Võ Văn Xong, là một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ người nhắc tuồng, ông viết những bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho các đoàn cải lương.
Năm 1992, hai kịch bản Giấc mộng không tên và Sám hối đã khiến ông gắn bó với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Hoàng Song Việt được dàn dựng, biểu diễn: Kim Vân Kiều, Hoàng đế Quang Trung, Chiếc áo thiên nga...
Gần 30 năm dấn thân theo nghiệp sáng tác, đến nay, tác giả Hoàng Song Việt đã viết, chuyển thể được khoảng 100 vở cải lương, trên 700 bài ca cổ. Trong đó, có rất nhiều vở cải lương được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn và đoạt được các thứ hạng cao.