CHỊ TÔI
(Kính tặng chị tôi)
Lời dân ca: Vũ Kim Sa - Diệp Vàm Cỏ
Lời vọng cổ: Diệp Vàm Cỏ
LÝ CÂY KHẾ:
Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng hổng biết khế ai
Khế nầy là khế ông cai
Khế chưa có trái (mà) chị hai có chồng
Anh hai đi cưới (mà) chị hai
Mâm trầu hủ rượu hết hai mươi đồng.
Nào tiền mua chả mua nem
Mua một đôi đèn cho họ ngồi mâm
Ông cai ông ký ngồi trên
Sui gia (mà) ngồi giữa bốn bên họ hàng
Trèo lên cây khế mà rung
Trèo lên cây khế mà rung...
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Tội nghiệp chị tôi thuở còn con gái, hồi ấy đàng trai đem trầu cau qua dạm hỏi, chỉ còn mê thảy đáo nhảy dây, vậy mà tía má tôi ép gả cho... đành.
Chẻ củi, nấu cơm, may vá chưa rành.
Sau đám bỏ bông anh hai qua làm rể, chỉ mắc cở bỏ nhà trốn tuốt trong bụi ô rô. Tía má tôi hăm đánh đòn chỉ mới chịu vô, thấy chú rể, chỉ đứng thiệt xa chớ hổng dám nhìn cho tận mặt. Rồi đám cưới linh đình, cô bác thiệt đông, đêm đốt đèn măng xông vui như là chợ tết. (Chầu: 1 xề, 2 xang như chầu câu 2 để ca tiếp câu 5).
Câu 5:
Tiền phụ mẫu, hậu mai nhơn, anh hai lạy đền ơn sau trước, rồi tới giờ rước dâu, chị tôi ngồi khóc suốt ở trong buồng.
Má phải năn nỉ, ỉ ôi chỉ mới chịu xuống xuồng.
Vậy mà qua tới đầu kinh ngang chỉ đòi nhảy sông tự vận, khiến cô bác họ hàng ai cũng sợ cũng lo. Thản bái chị về lối nhỏ quanh co, nhìn ở đâu cũng nghe ngậm ngùi luyến tiếc. Đâu còn nữa quảng ngày thân thiết, thời con gái chị tôi đã tan theo từng xác pháo hồng.
LÝ CÂY KHẾ:
Trèo lên cây khế mà rung
Khế rụng đùng đùng hổng biết khế ai
Khế nầy là khế ông cai
Khế chưa có trái (mà) chị hai có chồng
Anh hai đi cưới (mà) chị hai
Mâm trầu hủ rượu hết hai mươi đồng.
Rồi đời chị lẳm (lắm) long đong
Hết khổ vì chồng thêm khổ vì con
Gian nan cái kiếp hồng nhan
Đêm đêm chị gõ mõ tụng kinh nghe não nùng
Trèo lên cây khế mà rung
Trèo lên cây khế mà rung...
Câu 6:
Trèo lên cây khế mà rung
Khế chua nên chị tôi chung cảnh đời
Thôi đừng buồn nữa chị ơi,
Khổ chi cũng một kiếp người mà thôi!
Rồi tháng rộng năm dài, tuế nguyệt dần trôi, giờ chị bước vào tuổi lục tuần rồi đó. Ngày đáo tuế của người ta là ngày sum họp gia đình mừng vui chúc thọ, sao ngày đáo tuế của chị tôi lại khói lạnh nhang tàn ?
Bởi chị vô phước vô phần nên dâu - con đều bạc bẽo, nó lo chuyện bao đồng chớ đâu nặng lòng nghĩ tới mẫu thân.
Một mai rũ hết nợ trần
Em cầu cho chị, được về cùng cõi tiên.
Diệp Vàm Cỏ tên thật là Bùi Văn Diệp, sinh năm 1958, quê quán xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cư trú phường 2, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Hiện công tác tại Phòng Văn Nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Bắt đầu sáng tác thơ cho Tạp chí Văn Nghệ Long An từ năm 1982, rồi chuyển sang viết bài ca vọng cổ và kịch bản cải lương từ tháng 3 năm 1986. Đã viết cả trăm bài ca vọng cổ với các phong cách trữ tình, hài, dí dỏm... được Đài TNND TPHCM và các đài khác dàn dựng.
Một số bài nổi bật gồm: Em sẽ về đâu, Người tình cũ, Lý con sáo, Tình bậu muốn thôi, Đường về quê bác, Ký ức hoa đào, Kẹt tên, Ông già Đồng Tháp...
Ở thể loại kịch bản cải lương Diệp Vàm Cỏ đã có 03 kịch bản: Hồi xuân dược (Đoàn cải lương Long An dàn dựng năm 1993 và 2011; Đoàn cải lương Tây Ninh dàn dựng năm 1995; sau đó được Đài Truyền hình TP.HCM dàn dựng phát sóng, Mùa bông điên điển (Hãng phim Tây Đô – Đài Truyền hình Cần Thơ dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2000), Mặt trời qua đêm (Viết về chuyện tình Nguyễn Đình Chiểu và Lê Thị Điền, Đài PT&TH Long An dàn dựng được Bằng khen tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2005). Ngoài ra còn có hàng chục kịch bản hài do Đài PT&TH Long An dàn dựng, phát sóng trên kênh LA34 và SCTV.
Đặc biệt khi sáng tác bài ca tân cổ giao duyên thì Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc như các bài: Tôi yêu màu nắng quê nhà, Thanh long mùa trái ngọt, Tnh bậu muốn thôi, Yêu em như thuở binh nhì, Về với lý ngựa ô...Là một tác giả sáng tác bài ca vọng cổ có tâm huyết nên anh đã chủ xướng thể loại ''Vọng cổ ba câu'' để phù hợp với yêu cầu thưởng thức của người nghe hiện nay, thể loại nấy đã được HTV giới thiệu, hiện nay anh đã có một số bài ca vọng cổ ba câu được phổ biển. Đặc biệt với chùm bài ca ''Tri âm... khúc'' tặng riêng NSUT Mỹ Châu đã được thu thanh, quay hình và phát sóng là loạt bài ca không lệ thuộc vào khuôn khổ 4 câu 1, 2 5, 6 như xưa nay mà Diệp Vàm Cỏ viết với hình thức 02 câu, 03 câu được gối bằng 100% bài bản cải lương (Ngoại trừ bài tân cổ giao duyên ''Tri âm viễn khúc'' do Diệp Vàm Cỏ tự viết phần nhạc) khá thành công. Diệp Vàm Cỏ quả có duyên sáng tác để riêng tặng giới nghệ sĩ cải lương với nhiều bài: 10 bài Tri âm (Tặng NSUT Mỹ Châu), Con sáo đồng bằng (Tặng NSUT Trọng Hữu), Bà chúa thơ nôm (Tặng NSUT Thanh Thanh Hiền), Nhớ một vì vua (Tặng Soạn giả Viễn Châu), Tâm sự ông Hoàng (Tặng Nghệ sĩ Tấn Tài), Đời Nghệ sĩ (Tặng Nghệ sĩ Vũ Linh Vương). DVC đã được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2000.
Với bài ca vọng cổ, Diệp Vàm Cỏ đã có một số giải thưởng ở các tỉnh, đặc biệt trong đó có Giải nhì (Không giải nhất) cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần I - tháng 9 năm 1992 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Bài ''Lời ru'') và giải ba cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ khu vực ĐBSCL lần III - tháng 11 năm 2011 (Bài ''Thương về chợ nổi''). Nhân đây, Tạp chí Sân khấu TPHCM xin giới thiệu đến bạn đọc bài ca ''Thương về chợ nổi'' của tác giả Diệp Vàm Cỏ.