CHIM VỊT KÊU CHIỀU
Soạn giả Viễn Châu
NHẠC:
Con: Vịt kêu chim chíp, chít chiu vào mỗi ban chiều, nghe lòng thương nhiều, đầu xanh kia tuổi thơ, mà sớm bơ vơ, đời trắng như vôi, ai kia sao nỡ gây chi niềm đau hận sầu.
Vịt kêu chim chíp, chít chiu lòng xót xa nhiều, trên đời bây giờ đừng ai mong kiếm ra, loài cá không xương, mẹ ghẻ yêu thương, tình đời là thế …. Thân con chồng là .. người …dưng.
Con: Khóc
Cha: Trời tối rồi sao con chưa về nhà? việc gì con khóc
Con: Cha ơi, bởi hai con vịt vừa đi lạc mất, con sợ lo nên không dám về nhà, dì con chắc chẳng dung tha, đã mắng chửi còn hành hạ đánh đập.
Cha: Con ơi, chắc hẳn nhà ta vô phước, mẹ của con sớm vội ly trần để cho con quại thể hành thân, mười hai tuổi phong trần đà dạn mặt…
VỌNG CỔ:
Con: Cha ơi con không dám về đâu, vì sợ lằn roi vọt … bởi dì ghẻ con đâu thương xót đứa con … khờ.
Khi mẹ con thác đi thì tuổi con mới được lên mười, (20)
cha đã đem về một bà kế phụ mà cha đã bảo rằng để coi sóc trước sau.( 24)
Thì cũng kể từ ngày ấy con đã bị rầy la, mắng chửi hành hạ nhưng thương cha … (28)
nên con cứ cắn răng để lãnh chịu những điều cay đắng. (32)
Cha: Trời ơi con tôi bị đày đọa như vầy mà tôi có hay biết gì đâu.
Con: Bầy vịt tơ mỗi ngày dì con giao cho con chăn giữ. Mà nay thì hai con đã đi lạc ở đâu rồi. (16)
Con về đây chắc bị dì con đánh đập tơi bời, (20)
cha ơi thà là con chết giữa đồng hoang còn hơn để cho thân xác phũ phàng bởi tay dì ghẻ, (24) con nhớ mẹ con đã nâng niu con từ tấm bé và âu yếm bảo rằng: (28) “Tôi vái trời sau ngày tôi nhắm mắt không ai được vào nhà này để hành hạ con tôi". (32)
Mẹ ghẻ: Ông đi đâu giờ này ông mới về? Ông có thương con ông quá thì để nó ở nhà đừng cho làm gì hết, có con già này nè lo dưng cơm vừa nước cho, chứ cái thứ chăn gà chăn vịt chết chóc gì mà mỗi chút ông mỗi chạy đi kiếm, làm như đại sự lắm vậy?
Cha: Tôi đi kiếm thằng Hai, tội nghiệp, nó làm mất hai con vịt nên không dám về nhà.
Mẹ ghẻ: Về sao được mà về, nhà này bây giờ là nhà của tui, chứ đâu phải nhà con con gái mẹ nó hồi trước, có ăn thì phải làm, làm không nên thân thì chết đi, đừng có sống nữa.
Cha: Bà, bà đừng nặng lời với con quá vậy bà.
Mẹ ghẻ: Chứ ông bảo tôi nói sao? Tôi nói vậy quen rồi. Ông nghe hỏng nghe thì thôi
VỌNG CỔ:
Cha: Bà ơi, bà không nhớ khi vợ tôi vừa bất hạnh, tôi với bà mới chấp nối nghĩa tào khang. Bà có bảo với tôi là, con của tôi bà quý thể ngọc vàng, nay sao bà vội buông lời mắng chửi...
Bà ơi, mới mười hai tuổi con tôi có làm gì nên tội mà bà nỡ đang tâm hành hạ nó cho … đành. (16)
Tuy bà không có công dưỡng dục sinh thành, (20) nhưng dẫu sao thằng Hai nó cũng là con của tôi, và là một đứa trẻ vẫn còn nhỏ dại. (24) Thế mà bà lại để cho nó rách rưới lang thang, nói tới tên là bà chửi nát cả tổ tiên, làm ko kịp thì roi da bà quất đại, (28) cho đến một bữa cơm dư mà con của tôi nó cũng chẳng được no lòng. (32)
Mẹ ghẻ: Chứ con của ông nó hư quá, ông biểu tôi thương nó là thương chổ nào? Không coi chừng để vịt đi mất rồi đi kiếm, kiếm cái giống gì mà giờ này chưa về, kiếm con gái mẹ nó thì có.
Con: Hò… gió lộng mưa rơi bầu trời vần vũ, đứa con đau khổ liệm giữa hoang đồng, làm cha có thấu cho không? Để con đày đọa, hò… Để con đày đọa cõi lòng sao an?
VỌNG CỔ:
Con: Hỡi ơi bụng đói chân rung mưa phùn rơi lạnh buốt, cha biết chăng đêm nay con ngã gục ở ven … đường. (16)
Gió đêm đông như cắt đoạn can trường, (20) nhìn ánh lửa từ mái nhà tranh chập chờn leo lét, con biết đường về mà 24 nó vẫn còn xa. Thôi thì trên lớp lá khô dưới tàng cây cổ thụ, (28) con sẽ nằm đây chờ đến lúc mỏi mòn hơi thở, để chờ khi vĩnh biệt dương trần. (32)
(bỏ 5 nhịp)
Cha ơi tứ chi con đã rã rời vì ba ngày qua chịu nhiều đói khát, (8) vũng nước bùn không làm đỡ cơn mệt nhọc. Mấy đọt rau dừa không làm no dạ kẻ hàn vi. (12) Nằm vất vả dưới tàn cây mắt con lờ đờ nhìn lên không gian màu u ám, (16) vài đóm sao thưa lập lòe trong đêm tối mà con tưởng đó là hồn mẹ của con, (20) từ miền âm cảnh đến rước con, cho mẫu tử được tương phùng. (24) Cha ơi kiếp này trẻ thơ cam đành vắng số, con nguyện đầu thai, một cánh chim trời để trở về thăm viếng phụ thân. (32)
NGÂM THƠ:
Đứa trẻ ấy … từ từ nhắm mắt, hồn hóa ra chim vịt kêu chiều.
Khi hoàng hôn xuống cô liêu, tiếng chim thê thảm gợi nhiều nhớ thương.
Cha: Trời ơi, con tôi đã chết. Nó chết vì người mẹ ghẻ vô cùng ác nghiệt. Làm việc tối ngày mà cơm chẳng đặng no. Nó chết đi đã yên mả yên mồ, tôi còn sống để mang điều ân hận. Nhưng ba hôm nay sao bỗng có một con chim lạ từ đâu bay tới, đậu trước nhà cất giọng thảm thê, hay là hồn của con tôi từ âm cảnh trở về, hóa chim nọ để tiện bề thăm viếng.
Chim ơi, có phải mi là hồn con ta trở về dương thế để cùng nhau kể lể chuyện tâm …tình. (16)
Con ơi, con thác đi chứ ngàn năm vắng dạng xa hình. (20)
Lòng cha cũng bao phen dày vò chua xót, bởi chẳng giữ theo lời trăn trối của mẹ con. (24)
Nhưng cha biết làm sao khi cha đã chọn lầm một người đàn bà ác độc mà muôn đời lưu lại cái câu: (28)
Mẹ gà con vịt chít chiu, mấy đời mẹ ghẻ thương yêu con chồng. (32)
(Bỏ 8 nhịp)
Chiều nay cha ngồi một mình trước ngõ, nhìn sương trắng trập trùng bao phủ khắp làng quê.
Rượu đã lưng bầu sao lòng già vẫn thấy tái tê, (16)
có phải chăng cái cảnh sanh ly tử biệt làm cho xót xa tình phụ tử, (20)
mỗi buổi hoàng hôn cha ngồi ủ rủ, lắng tai nghe chim vịt kêu chiều. (24)
Tôi nhớ, tôi thương, tôi hình dung lại đứa con yêu dấu. (28)
Con tôi nay đã thác rồi, tôi cam sống với cuộc đời quạnh hiu. (32)
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: