CHỞ XUÂN RA TRƯỜNG SA
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Nữ: Những con tàu đang vội vã nhổ neo
Chở xuân về nơi yêu thương biển đảo.
Nam: Nhánh mai đào cũng chung niềm hăm hở
Với tấm lòng của đất Mẹ gửi Trường Sa.
Lý Son Sắt
Nữ: Ôi sắc xuân quê nhà
Luôn thiết tha đậm đà
Nhìn con tàu khơi xa
Từ đất liền chở ra.
Nam: Tiếng nói em dịu dàng
Tình yêu thương thiết tha tuôn tràn
Kìa con sóng xô muôn trùng
Vượt khơi xa đến nơi hoài mong
Trường Sa sớm mai đón chào
Ngàn yêu thương xuyến xao trào dâng.
Vọng Cổ
Nữ: Nơi đầu sóng ngọn gió xa xôi ngoài biên đảo. Biển động ngày đêm bốn mùa giông bão tàu chở xuân ra cho đỡ nhớ… quê… nhà.
Câu 1. Hạt giống, đào mai, tình cảm đất liền.
Nam: Nơi Trường Sa bốn mùa canh giữ đảo,
Luôn có hơi thở ngọt ngào đất Mẹ hòa chung.
Nữ: Em gửi bằng tình yêu tha thiết sắt son,
Để ngày đêm anh càng chắc thêm tay súng.
Nam: Con tàu nơi đất liền nặng chở mùa xuân,
Chở cả mong chờ niềm tin yêu lính đảo.
Câu 2. Nữ: Em yêu Trường Sa tự nhiên như tình yêu cha mẹ, không lý giải được vì sao tha thiết đậm đà.
Nam: Dù gian khổ hy sinh người lính đảo vẫn kiên cường.
Giữ biển thiêng liêng tựa giữ tim hồng đỏ thắm,
Biến bão giông bốn mùa thành rạng rỡ sắc xuân.
Nữ: Tết quê nhà đã ra tới chưa anh?!
Sao nghe rộn rã trong lòng em nỗi nhớ.
Như được thấy nụ cười nơi cầu cảng,
Người chiến sỹ ra chào đón nhận mùa xuân.
Nói Lối
Tàu đã ra cách đảo chìm vài hải lý
Đảo mong tàu, tàu ngóng đảo từng giây.
Nữ: Gió biển ồn ào át cả tiếng anh
Để hồn em chạm vào Trường Sa nỗi nhớ.
Lý Cái Mơn
Nam: Miền trùng khơi ngày đêm giông bão
Biển đảo trông mong con tàu chở ra mùa xuân
Đón yêu thương ngàn tha thiết từ nơi đất liền.
Nữ: Tình trao anh mãi nồng nàn thủy chung
Đây trái tim người em
Câu ước thề sắt son một dạ chờ anh.
Vọng Cổ
Nam: Những con tàu mới vừa cập nơi cầu cảng. Xuân nhớ thương đất liền mẹ gửi và cả tình em hòa lẫn chảy… lan… tràn.
Câu 5. Nghe dịu ngọt lời ai tha thiết nồng nàn.
Nữ: Mẹ gửi anh là muôn ngàn thương nhớ,
Niềm hãnh diện tự hào về người lính đảo trung kiên.
Nam: Đảo nổi đảo chìm từng tấc biển thiêng liêng,
Quyết canh giữ cả máu xương những anh hùng ngã xuống.
Nữ: Xuân Trường Sa sáng ngời từng ngọn lửa,
Mãi một tình yêu với biển đảo quê nhà.
Câu 6. Nam: Hải đảo được ấm nồng bởi sâu nặng nghĩa quân – dân,
Tết đến sớm hơn trong lòng mỗi người chiến sỹ.
Nữ: Những cánh thư từ hậu phương em gửi,
Là thương nhớ vô bờ giữ vẹn niềm tin.
Nam: Để lính đảo luôn kiên cường vượt mọi khó khăn,
Bảo vệ cõi bờ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.
Nữ: Cho mùa xuân Trường Sa vĩnh hằng bất tận,
Đất nước mãi bình yên phát triển đẹp giàu.
Nam: Tình anh lén gửi con tàu
Mang về quê mẹ ngọt ngào tặng em.
Nữ: Mùa xuân hạnh phúc êm đềm
Phồn vinh muôn thuở đất liền – Trường Sa./.
Long Xuyên, ngày 14 tháng 01 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---