TIẾNG TÀU ĐÊM
Soạn giả Ngô Hồng Khanh
NÓI LỐI:
Nam: Ở nơi nào trên mình tổ quốc
em có nghe tiếng tàu giục giã đêm đen.
Nữ: Những tiếng tàu hay nhịp đập con tim
mà xuôi ngược tảo tần như mẹ hiền nuôi con vất vả.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Nam: Ôi những sân ga dịu hiền mà hiên ngang cùng bão tố, bên ánh đèn khuya lung linh trong mưa gió đưa tiếng tàu đêm mấy lượt...đi...về.
Ôi tiếng tàu khuya xé đêm đen nghe xúc động bồi hồi.
Nữ: Xuôi về nam hay lên phương bắc, mà suốt đêm ngày hối hả tàu ơi.
Nam: Đường thẳng song song ta hẹn gặp nhau ở đỉnh tương lai, thành phố đêm nay trong giấc ngủ say nồng. Tiếng con tàu vẫn thao thức thâu đêm, xuôi ngược trăm miền gọi mình xây quê mới...
Câu 2:
Nữ: Đường sắt song song hay những dòng kênh mênh mông bát ngát, bùn của phù sa bồi đắp đồng xanh đang nẩy hạt đầu mùa.
Nam: Tiếng tàu đêm hay tiếng con tim, náo nức niềm vui biết mấy đợi chờ.
Những hồi còi đêm đêm réo gọi, gọi lòng mình về phía trời xa.
Nữ: Đi đi anh, quê hương mở hội, đất nước thanh bình đang kết trái đơm hoa. Giọt mồ hôi hôm nay ta đổ, ngày mai rồi đời sẽ xanh tươi....ơ
LÝ GIAO DUYÊN:
Nữ: Náo nức thâu-canh
tàu đêm chuyển - bánh
cảnh mấy hoang - mà
đâu cũng quê -nhà
Nam: Tổ quốc khắp nơi - nơi
hỡi gái yêu- ơi
Nữ: Hỡi những chàng - trai
ta đi lên xây đắp cuộc đời.
Nam: Ngày mai rồi tay lại cầm tay.
Kìa con tàu thẳng tới tương lai...(SL)
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Nữ: Anh về nam em lên phương bắc, thương những con tàu ba mươi năm đánh giặc đã cùng ta thao thức những...đêm...dài.
Nam: Những con tàu đi dưới bơm rơi mà dào dạt tình đời.
Những con tàu ra đi mùa thu trước, chiến thắng quân thù ghé bến vinh quang.
Nữ: Chuyến tàu đêm nay mang đầy nguyện ước, chở tình ta về phía mai sau. Nghe chăng anh, tiếng tàu thôi thúc, thúc giục tim ta như tiếng cuộc đời.
Câu 6:
Những tiếng tàu thét vang trong gió, gọi ta về khắp nẻo quê hương.
Nam: Yêu lắm em ơi, cả quê ta là một chuyến tàu nhanh, xé đêm đen bay lên phía trước. Tạm biệt đêm nay em về nam anh lên phương bắc, đến trăm miền tổ quốc yêu thương.
Nữ: Em lên tây nguyên cao cao miền đất đỏ, vui tiếng đàn muôn thuở rừng xanh.
Nam: Anh vui sông hồng sống dẫu bốn ngàn năm, nhớ Cửu Long Giang trổi khúc thành đồng.
LÝ GIAO DUYÊN:
Nữ: Tổ quốc mến yêu - ơi
Ta đi lên xây đắp cuộc đời.
Nam: Ngày mai rồi, tay lại cầm tay
Kìa con tàu thẳng tới tương lai./.
Soạn giả Ngô Hồng Khanh sinh năm 1945, là con trai của liệt sĩ Ngô Kim Hồng, ở ấp Bình, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. Năm 1961, lúc đang học ở trường Trung học Tống Phức Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt, TP. Vĩnh Long), Ngô Hồng Khanh đã tham gia hoạt động cách mạng hợp pháp tại xã nhà. Năm 1963, cán bộ của Đoàn Văn công Quân giải phóng miền Nam (R) về huyện Cái Bè tuyển diễn viên, Ngô Hồng Khanh đăng ký đi và được tuyển thẳng về công tác tại đoàn văn công này. Đến năm 1972, Ngô Hồng Khanh được ra Hà Nội vừa học, vừa sáng tác ca cổ cho Đài Phát thanh Hà Nội và Đài Giải phóng. Năm 1974, anh tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam.
Sau giải phóng miền Nam, Ngô Hồng Khanh công tác ở Quân khu 9. Năm 1978, anh được chuyển ngành sang dân chính, làm Phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Hậu Giang (2 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng sáp nhập thành tỉnh Hậu Giang từ năm 1976 - 1991). Khi chia tỉnh trở lại, Ngô Hồng Khanh là Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Cần Thơ, đại biểu Quốc Hội khóa IX, nhiệm kỳ 1994 - 1999; năm 1998 là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Vụ trưởng Ban Văn hóa - tư tưởng Trung ương; đến năm 2007 được nghỉ hưu trí và đang ở TP. Hồ Chí Minh.
Quá trình hoạt động nghệ thuật, soạn giả Ngô Hồng Khanh đã sáng tác trên 50 vở cải lương, 600 bài vọng cổ ca ngợi tình quân - dân, tình đồng đội, những chiến công trong kháng chiến và những thành tựu trong xây dựng, phát triển đất nước; trong đó có những vở cải lương đã đoạt Huy chương Bạc trong các lần hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân như các vở: Hoa đồng nước nổi (năm 1984); Mưa nguồn (năm 1985); Êm ả một dòng sông, Tình ca đêm chơi vơi (năm 1990); Loài hoa không tên (năm 1995)...
Ngô Hồng Khanh sáng tác nhiều bài vọng cổ hay, đã được nhiều nghệ sĩ tài danh ca thu thanh, thu hình phát trên sóng các đài phát thanh - truyền hình cả nước. Các hãng băng, đĩa cũng thu thanh, thu hình để kinh doanh. Nhiều thí sinh đã ca - diễn dự thi các cuộc hội diễn, hội thi vọng ca cải lương toàn quốc, khu vực, Giải "Bông lúa vàng" (2 năm 1 lần) và tuyển chọn giọng ca cải lương hàng tuần tại Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh đạt nhiều giải cao và khán, thính giả yêu thích, như các bài: Lời người hát rong, Đêm Quan họ, Thương em nhiều qua là thư xuân,Cung đàn mới, Cung đàn mùa hạ, Chiều sông Lô, Tiếng ru đêm, Trăng Cao nguyên, Mùa bông tràm... Riêng bài "Hương sen Đồng Tháp", ca ngợi xã Mỹ Lợi và tổ thương binh anh hùng tại xã này, do 2 nghệ sĩ tài danh Thanh Nhanh và Thanh Thoản ca.
Từ tháng 5-2008 đến nay, soạn giả Ngô Hồng Khanh làm Trưởng Ban Giám khảo các cuộc thi tuyển giọng ca cải lương, Giải "Bông lúa vàng" và thi giọng ca cải lương hàng tuần tại hội trường Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh, được trực tiếp truyền thanh từ 14-15 giờ 30 mỗi chiều thứ bảy hàng tuần.