CÙ LAO NHỚ MÃI ƠN NGƯỜI
Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Con về thăm đất cù lao
Bâng khuâng nhớ Bác… tự hào quê hương
Tắm hồn giữa Mỹ Hòa Hưng
Nhớ thương sâu nặng công ơn của Người.
Vọng Cổ
Câu 1. Chuyến phà Ô Môi chiều nay ngược dòng sông Hậu. Đã đưa con về cù lao Ông Hổ thăm mảnh đất thiêng liêng hào kiệt… anh… hùng.
Lòng bâng khuâng thương nhớ Bác vô cùng. Ôi trên xứ sở cù lao xanh biếc, nay thẳng tấp những con đường trải nhựa khắp nông thôn. Bác cả đời vì nước vì dân, một tấm gương sáng ngời bình thường mà vĩ đại. An Giang luôn tự hào với mảnh đất kiên trung, và xứ cù lao mãi nhớ ơn Người – Tôn Đức Thắng.
Câu 2. Gần bảy mươi năm cống hiến quên mình cho cách mạng, Bác phải sống nơi “địa ngục trần gian” suốt mười mấy năm trời.
Tấm lòng trung kiên trong sáng rạng ngời. Dẫu nơi Côn Đảo xa xôi bị tù đày khắc nghiệt, tay chân bị xích xiềng giặc tra tấn dã man. Nhưng với lòng yêu nước sắt son, Bác luôn giữ mãi một niềm tin sắt đá. Ôi khí phách hiên ngang một tấm lòng cao cả, Bác đã dành hết đời mình cho Tổ quốc yêu thương.
Nói Lối
Ai đã đặt tên cho cù lao Ông Hổ
Để đất vươn mình rạng rỡ Mỹ Hòa Hưng
Nhân dân muôn đời ghi nhớ công ơn
Bác mãi trong tim với nghĩa tình sâu nặng.
Vọng Cổ
Câu 5. Sóng vỗ miên man giữa hoàng hôn tím lạnh. Ơi dòng nước phù sa ngọt ngào sông Hậu vẫn ngày đêm canh giữ vẹn nguyên mái ngói… ngôi… nhà.
Như giữ thiêng liêng tình cảm của Người. Con trở lại thăm quê sau tháng năm dài xa xứ, lòng bồi hồi ngược quá khứ nhớ thương. Bác gieo mùa hạnh phúc quê hương, trên đất cù lao cờ tung bay phấp phới. Mỹ Hòa Hưng hôm nay khoác lên mình áo mới, thơm ngát công ơn cao vợi của Người.
Câu 6. Con nhè nhẹ bước đi vào thăm Khu Tưởng niệm, nước mắt ngậm ngùi vội thắp nén hương. Trời ơi lũ giặc hung tàn man rợ, chúng đã xích xiềng, bỏ đói Bác, nhốt ở hầm giam. Nhưng cho dù bị đánh đập dã man, Bác luôn giữ khí tiết kiên trung của người cộng sản. Cả một đời Bác chỉ dành riêng cho dân tộc, cho mảnh đất An Giang tươi đẹp rạng ngời.
Dù nay Bác đã đi xa
Vẹn nguyên ơn nặng quê nhà thiêng liêng
Chiều nay vương nỗi niềm riêng
Mỹ Hòa Hưng mãi trong tim của Người.
__________________________________
Long Xuyên, ngày 19 tháng 10 năm 2014.
(* Bài vọng cổ CÙ LAO NHỚ MÃI TÊN NGƯỜI được đăng trên Tạp chí văn hóa Lịch sử An Giang tháng 12/2014 và Tạp chí Thất Sơn tháng 8/2016)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---