CUNG ĐÀN TÂM SỰ
Soạn giả Viễn Châu
VỌNG KIM LANG:
Nghe gió reo vi... vu,
Đêm phải chăng khuya rồi.
Sương thấm đôi vai mình, ngồi một mình nhớ nhung gần xa.
Lắng nghe lá rơi bên thềm, lòng bồi hồi nhớ thương người ơi...
-----
Đường đời, đôi mình, không cùng chung lối.
Mấy dây tơ đồng, nào ai rõ thấu những tâm tư.
Phải chăng mấy cung u hoài, mà đường trần khó mong gần nhau.
Thương ai nhớ ai phương trời, ngồi lặng nhìn lá thu vàng rơi...
-----
Từ khi đường xa trăm lối rẽ chia đôi, tóc xanh phai màu phong sương.
Xa rồi người tôi thương, xin gởi ai cung đàn... ly.... hương.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Tan tác lá vàng rơi hoài trên phím... nhạc, phải chăng đó là lệ tương tư theo lời ca tiếng nhạc đêm từng đêm nhỏ giọt xuống …cung… đàn…
Xa vắng ngoài kia tiếng gió gọi canh tàn. Khúc nhạc thê lương gieo từng cung sầu muộn, mình vẫn ngồi nhìn lá rụng ngoài sân. Phải chăng tiếng đàn kia là của kẻ ly hương, hay tiếng kêu sương của chiếc nhạn xa bầy. Bấm mấy cung đàn để hoài vọng ai đây, hay chỉ một mình ngồi thương mây nhớ gió...
Câu 2:
Không ngóng trông ai cũng mờ đôi mắt lệ, không hẹn hò ai cũng tháng đợi năm chờ. Xuân mãn, hè sang, thu đến tự bao giờ. Để rồi đêm đêm qua những lời tâm sự, qua những cung đàn máu nhuộm đường tơ. Trí não lạc loài hồn phách cũng bơ vơ, ngàn sương khói chưa xóa mờ nhân ảnh. Những đêm không ngủ nghe cõi lòng xa vắng, mái tóc phai rồi mà lòng vẫn nặng niềm đau…
NGÂM:
Trận gió vào thu lạnh đất trời.
Vật vờ mấy chiếc lá vàng rơi.
Lang thang bóng nhỏ sầu vô hạn.
Rượu tỉnh canh tàn lệ đắng môi.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Sao đêm nay tôi bấm mấy đường tơ mà đôi mắt cay cay như đượm dòng dư lệ. Thôi thì gió thu ơi hãy mang dùm tôi mấy cung đàn tâm sự gửi người đang phiêu bạc chốn…phương …trời…
Tôi mượn đường tơ tiếng nhạc để thay lời. Tôi như lữ khách lỡ đò trên bến vắng, hay kiếp con tằm phải nhả trọn đường tơ. Nghe hương trà quyện gió giữa đêm khuya, và phảng phất mùi hương dạ lý. Tôi ngỡ mùi hương tóc của người trinh nữ, đến tìm tôi trong đêm vắng canh tàn.
Câu 6:
Có ai thao thức ngồi bên song cửa, để hỏi ai dạo đàn chợt tỉnh giấc liêu trai. Mấy tiếng tơ đồng mới chạnh lòng ai, giữa đêm lạnh không tròn giấc ngủ. Xin hãy dành lại phút giây tưởng nhớ, những cung đàn máu nhuộm mấy đường tơ. Thu tàn đêm đã tàn chưa, trắng đêm tâm sự vẫn mơ một người.
Con đò đời đã tách bến sang sang ngang, tôi như lữ khách lỡ đò trên bến vắng.
Đêm đêm tưởng bóng thương hình, tôi chẳng xa tình mà tình đã xa tôi.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: