ĐẤT TÀI TỬ QUÊ TÔI BẠC LIÊU
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối:
Không biết tự bao giờ nơi xứ sở Bạc Liêu
Ai cũng bảo miền đất này “dập dìu tài tử”
Tôi tự hỏi…
Đất tạo ra duyên hay duyên tự tìm đến đất,
mà Cao Văn Lầu đã viết Dạ cổ hoài lang…
Lý Cái Mơn:
Ôi Bạc Liêu, ngàn năm thương nhớ
Hãy đến quê tôi nghe bài Dạ cổ hoài lang
Đêm Giá Rai còn vang vọng tiếng ai Gành Hào
Bạc Liêu đang từng ngày đổi thay
Đây vùng điện gió mới đầu tư
Kia những công trình đang nối tiếp dựng xây…
Vọng Cổ:
Câu 01: Tự ngàn xưa dân Bạc Liêu vốn dĩ lạc quan yêu đời như tài tử. Đó là những văn hóa tinh hoa, là chất hào phóng tự nhiên luôn sẵn có trong mỗi… con… người.
Như Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.
Nên cha ông từ Long An về Bạc Liêu lập nghiệp, bởi nghe đồn miệt ấy có đất rộng người thưa.
Thuở ấy cảnh cơ hàn khói lửa loạn ly, nhưng Bạc Liêu có vị ngọt quyến rũ lòng người.
Đất mẹ mở tấm lòng đón vị khách tha phương, đất tạo ra duyên hay duyên tự tìm đến đất…
Câu 02: Ai đã ghé qua một lần nơi Vườn nhãn cổ, sẽ mãi vấn vương bài dạ cổ trường tồn.
Em gái đứng chờ ai mà có vẻ bồn chồn.
Phải đợi anh đưa đi thăm nhà Bạc Liêu công tử, hay muốn về Vĩnh Lợi ngắm Tháp Vĩnh Hưng.
Xin mời em ghé thăm chùa Xiêm Cán – Khơ me, và Nhà Mát tham quan chiếc đờn kìm nổi tiếng.
Bạc Liêu chọn cho mình gam màu độc đáo, nơi hội tụ sắc màu tài tử miền Tây…
Nói Lối:
Quê hương tôi đâu chỉ nhà Bạc Liêu công tử
Mà còn là tinh túy chất nghệ sỹ đờn ca
Đất hào phóng luôn sản sinh những tài tử lừng danh
Để làm dầy thêm cho bức tranh văn hóa…
Vọng Cổ:
Câu 05: Và để cho những ai vì dòng đời xô đẩy thành kẻ tha hương đau đáu nỗi nhớ Bạc Liêu luôn mong mỏi được… quay… về.
Nghe “Trên quê hương Minh Hải” nhớ tê tái cồn cào.
Và chính tôi cũng bởi dòng đời xuôi ngược, phải năm tháng xứ người thèm lắm tài tử đờn ca.
Tuy mỗi tết đều về nhưng lại lật đật rời xa, chưa kịp đếm tóc mẹ giờ bao nhiêu sợi bạc.
Giữa đất Sài Gòn ngân nga bài vọng cổ, ngỡ đêm Giá Rai nhớ ai da diết Gành Hào…
Câu 06: Cơn mưa cứ vô tình rả rích ngoài hiên, đếm từng giọt rơi như đếm từng nỗi nhớ.
Nhớ con đường rợp bóng hàng cây cổ thụ, nhớ con phố cũ năm nào giờ đã rêu phong.
Nhớ mỗi lần về ngắm thành phố trẻ đắm say, nhớ lắm bàn tay dựng xây những công trình xứ sở.
Nhớ mùi vị ấm nồng của bài ca vọng cổ, nhớ tài tử Bạc Liêu có sẵn trong lòng.
Ngâm thơ:
Bạc Liêu mảnh đất cuối trời
Biển xanh muối mặn tình người chứa chan
Bài ca Dạ cổ hoài lang
Luôn trong huyết quản nồng nàn đắm say…
Long Xuyên, đêm 16 tháng 11 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---