ĐÊM SÀI GÒN NHỚ MẸ TÂY NINH
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Lời tâm tình con nhắn gửi quê hương
Giữa ngàn sương giăng ướt nhòe nỗi nhớ
Sông Sài Gòn đêm nay đi hay ở?
Xin chở giùm nức nở đến Tây…
Vào Nam Ai
… Ninh.
Cho kịp bình minh tắm mát thâm tình
Trên quê mình tia nắng lung linh
Rọi nhớ thương tràn ngập trong lòng
Nghe ấm nồng dù gió thổi căm căm
Nước xuôi dòng nặng chở về thăm
Vàm Cỏ Đông lẫn nước mắt âm thầm
Mẹ ngóng chờ tháng năm
Gầy guộc héo hon mái tóc bạc màu
Ôi lòng mẹ như biển rộng trời cao
Mênh mông lồng lộng dạt dào
Nghĩa chín chữ cù lao
Đất khách phương xa ngàn đêm tê tái lạnh
Đan nhớ thương con gửi mẹ quê nhà
Nhói đau trên sóng nước la đà
Nơi xứ lạ mờ xa.
Vọng Cổ
Nước chảy về đâu có chở sầu cho ta gửi với. Để kịp bình minh trên dòng sông quê mẹ, gột rửa hào nhoáng phồn hoa đô hội bám… bên… đời.
Câu 1. Thăm giấc mơ xưa có tiếng mẹ ru hời.
Bên cánh võng đưa mẹ ngồi chải tóc,
Từng sợi thâm tình quyện chặt yêu thương.
Dòng sữa thơm nồng pha lẫn gió sương,
Vì thương con mẹ sớm hôm lặn lội thân cò.
Trăng quê nhà vằng vặc rọi âu lo,
Trăng nơi đây soi giày vò thêm tê buốt.
Câu 2. Đồng lúa mênh mông nước dòng sông về tắm mát, như tình mẹ bao la dào dạt vô ngần.
Nuôi lớn đời con trong cảnh sống thanh bần.
Ôi nhớ xiết bao mùi hương gạo mới,
Quyện thơm lừng trên áo mẹ thấm mồ hôi.
Tưới sương trời vạn giọt tinh khôi,
Từng chiếc bánh bên đời mang tâm sự.
Một gói hành trang nặng lòng người xa xứ,
Là ánh mắt mẹ hiền vời vợi ngóng chờ con.
Nói Lối
Bước chông chênh bên đường đời quạnh quẽ
Đêm Sài Gòn con nhớ mẹ Tây Ninh
Mằn mặn môi cắn hạt muối quê mình
Nghe chứa chan vị thâm tình cao cả.
Vọng Cổ
Mẹ ơi giữa cuộc sống bon chen trên dòng đời hối hả. Con thèm nghe tiếng ru hời êm ả, dưới trăng khuya bên vách lá… năm… nào.
Câu 5. Đau nhói tâm can nỗi nhớ dâng trào.
Con tỉ mẩn xếp lại từng trang ký ức,
Gìn giữ bên lòng như báu vật thiêng liêng.
Gác trọ buồn chất chứa vạn niềm riêng,
Biết chia sớt cùng ai nỗi ưu phiền năm tháng.
Mòn mỏi mắt trông một phương trời bảng lảng,
Thăm thẳm ngàn xa cánh nhạn kịp quay về.
Câu 6. Nỗi nhớ cồn cào con ghì xiết mân mê,
Chợt nghe tái tê nơi tim lòng quặn thắt.
Ở ngoài kia đờn ai rao dìu dặt,
Như tự thuở nào tiếng mẹ ru xưa.
Trời Sài Gòn dù chẳng đổ cơn mưa,
Sao buốt lạnh khắp tư bề giăng bủa.
Nước mắt mặn môi giữa canh trường giàn giụa,
Ướt nửa trăng xưa thương nhớ quá quê mình.
Mai con về thăm đồng lúa Tây Ninh,
Vớt ánh trăng khuya lunh linh dòng sông nhỏ.
Để đêm đêm mẹ hiền thôi vò võ,
Ngóng phương trời mắt hoe đỏ chờ con./.
Long Xuyên, ngày 27 tháng 11 năm 2015.
___________________________________
(* Viết tặng em Nguyễn Hương - Người con gái của quê hương Tây Ninh)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---