ĐÊM THÀNH PHỐ MỪNG XUÂN
Soạn giả Viễn Châu
NHẠC:
Xuân mang niềm vui mới theo gió lộng mùi hương. Cánh đồng sương khói mờ nghe cuộc đời như mơ, ôm ấp vạn lời thơ, quê hương mừng xuân mới non nước rộ ngàn hoa, đất nước vui thái hòa vang dậy bài xuân ca năm mới đẹp lòng ta.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Bát ngát hương đêm quyện theo những cánh mai vàng nhẹ trôi trên lượng sóng. Đêm Sài Gòn lung linh ánh điện bên ngàn hoa nở rộ đón xuân…….. về.
Hoa thắm đưa hương tô điểm đẹp quê nhà, bến Bạch Đằng sương đêm hòa khói sóng tiếng còi tàu vọng lại từ xa, trên mái lầu cao có tiếng nhạc lời ca nghe vang vang những khúc hát thanh bình.Từ đô thành đến hải đảo biên cương vui đón mùa xuân trở về trên đất nước.
Câu 2:
Hào khí trời nam gửi theo lời ca cổ, tình tự quê hương hòa nhịp mấy cung đàn, trận gió đông phong lay nhẹ cánh mai vàng. Tri kỉ bốn phương cho đến những người viễn xứ sao khỏi chạnh lòng khi nghe mấy khúc cung thương, xuân miền nam muôn hoa thắm đưa hương bay trước gió khói trầm thơm bát ngát. Cứ mỗi lần xuân trở về trên đất nước mình lại một lần hội ngộ để mừng xuân
NHẠC:
Đường dài thênh thang kìa bao xuân nữ tha thướt vạn màu hoa, bầu trời trong xanh quê hương mừng xuân mới chim hót vạn lời ca,hoa xuân cùng đua nở theo gió lộng mùi hương, cúc vàng tung cánh rộng bên cạnh cành hoa xuân như đón bạn tình chung
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Lại một lần xuân trở về trên quê cha đất tổ, song nước Cửu Long như mang đi khắp vùng châu thổ những lời ca gửi trọn ý chân …………thành.
Muôn dặm trùng dương rồi cũng hóa ra gần. Dù núi cánh sông ngăn hay ven trời góc biển cứ mỗi độ xuân về ta lại được gần nhau, cạn chung trà thơm ngát buổi bình minh nâng ly rượu lúc cùng nhau đối ẩm, nghe hồn dân tộc từ bao thế kỉ gửi trong những câu vọng cổ ngọt ngào.
NHẠC:
Quê hương mừng xuân mới, non nước rộ ngàn hoa, đất nước vui thái hòa vang dậy bài xuân ca năm mới đẹp lòng ta.
VỌNG CỔ:
Câu 6:
Đêm thành phố lòng người như mở hội, xuân của quê hương sao rạng rỡ diệu kì, đêm Sài Gòn đêm thành phố mừng xuân xin mượn lời ca cổ để chúc mừng nhau năm mới, hương hoa thơm ngát tứ bên, theo gió bay về tươi thắm vạn mùa xuân.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: