ĐÊM GIAO THỪA BÊN MẸ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Con: Nhớ năm ngoái con không về thăm mẹ
Đêm Sài Gòn còn lại kẻ tha hương.
Mẹ: Nhà dẫu nghèo nhưng đầy ắp tình thương
Mẹ mong lắm tết đoàn viên sum họp.
Nam Ai
Con: Mẹ ơi!
Con nghe lòng ray rứt khôn… nguôi
Bởi xa quê giây phút giao thừa
Để mẹ chờ khắc khoải âu lo
Xuân nhớ thương thui thủi lạnh lùng.
Mẹ: Mẹ thấy mừng quên hết vạn lo toan
Con đã về còn hạnh phúc nào hơn
Dù áo bạc vai sờn
Nhà vách lá vẫn vui.
Con: Dòng sông ngát xanh năm tháng vơi đầy
Như lòng mẹ ngào ngọt ngời trong
Mãi tha thiết ấm nồng
Ôi ngọn lửa ngày đông.
Mẹ: Xứ sở quê hương ân tình luôn sâu nặng
Dù đi đâu cũng nhớ quay về
Bên nhau cùng đón giao thừa
Tết sum vầy yêu thương.
Vọng Cổ
Con: Chuyến xe đêm đã chở con về đây cho kịp phút giây đón giao thừa bên cạnh mẹ. Thắp vội nén nhang lên bàn thờ tạ lỗi, mong cha hãy thứ tha cho đứa con khờ dại… năm… nào.
Câu 1. Khi tết tha hương không về thăm lại quê nghèo.
Mẹ: Bên bếp than hồng mẹ canh nồi bánh tét,
Ngóng đợi con về cùng đón tết đoàn viên.
Con: Giọt sương nào rơi lộp độp mái hiên,
Thấm lạnh đôi vai gầy guộc của mẹ hiền.
Hay nước mắt thâm tình cao cả thiêng liêng,
Chảy giữa lòng con nghe nỗi niềm ray rứt.
Lý Con Sáo
Mẹ: Nơi phương xa
Nhớ gắng học hành nghen con
Bao nhọc nhằn lo toan
Hãy yên tâm đã có mẹ bên đời
Tương lai con sẽ tươi sáng rạng ngời.
Con: Lời dạy hôm nào thiết tha chứa chan
Chữ nghĩa nhân câu thảo hiếu tình thâm
Giữ bên lòng làm hành trang con bước đi
Có mẹ đỡ nâng thêm vững tin ngày mai.
Câu 2. Mẹ: Ngày tiễn con đi mẹ lưng tròng khóe mắt, lòng cứ sợ lo con nơi đất khách quê người.
Ai sẽ gần bên khi trái gió trở trời.
Con: Ôi thương biết mấy từng đồng bạc lẻ,
Mẹ gói ghém dụm dành, chạy vạy mượn khắp nơi.
Lo cho con học hành mẹ chẳng phút nghỉ ngơi,
Phải buôn gánh bán bưng luôn tảo tần khuya sớm.
Mẹ: Mẹ chỉ ước mong cuộc đời con tươi sáng,
Danh toại công thành tỏa rạng vinh quang.
Nói Lối
Nhánh mai vàng nở đầy hoa tỏa ngát
Quyện thơm lừng mùi bánh tét giữa trời khuya.
Con: Sương ướt rơi hay nước mắt mẹ đầm đìa
Tưới mát đời con đêm giao thừa nồng ấm.
Đoản Khúc Lam Giang
Nhìn từng dòng tuôn rơi
Trên áo con yêu thương hòa chan nhớ mong
Tình thâm thiết tha vô ngần
Đêm nay giao thừa bên vòng tay ấm.
Mẹ: Còn gì mừng vui hơn
Khi đứa con phương xa về thăm quê
Thương chờ ngóng trông bao ngày qua
Lúa xanh trên đồng âm thầm tháng năm thêm vàng bông.
Con: Lần này về quê hương
Con đón tết yêu thương, ôi bánh tét thơm nồng
Màu vàng hoa mai, phút giây bình yên
Cười nói hồn nhiên.
Mẹ: Con đã về cùng vui tết này
Bao nỗi buồn ngày nao chẳng còn
Hãy lắng nghe con tiếng ru hời
Tình thâm chan chứa mênh mông
Ngọt ngào tha thiết, nghĩa ơn sâu nặng, dạt dào đầy vơi
Ngát thơm bên đời, giao thừa chờ mong, con hỡi con.
Vọng Cổ
Nhớ tết năm xưa đêm giao thừa cha con trở bệnh, rồi ổng ra đi vĩnh viễn chẳng… quay… về.
Câu 5. Chưa giáp thôi nôi con đã bặp bẹ tiếng “buồn” rồi.
Con: Hai mươi mấy năm trời mẹ tảo tần khuya sớm,
Bơ vơ phận mình thương con trẻ cút côi.
Mẹ: Tháng rộng ngày dài mẹ chờ giây phút này thôi,
Được kề cận bên con sum vầy ba ngày tết.
Dẫu nhà mình nghèo đón xuân đạm bạc,
Nhưng hạnh phúc xiết bao trong giây phút giao thừa.
Câu 6. Con: Giữa đất Sài Gòn đêm giao thừa năm ngoái,
Nơi gác trọ buồn con nhớ mẹ quê hương.
Còn nợ cha già lời tạ lỗi, nén nhang,
Khi tết không về bên gia đình lo giúp mẹ.
Mẹ: Con thảo hiếu hiền ngoan từ hồi tấm bé,
Bởi thương mẹ mà con ở lại để làm thêm.
Nghẹn ngào nhoi nhói buồng tim
Tội cho con trẻ tha hương đêm giao thừa.
Con: Trời đất giao mùa đón hơi ấm đầu xuân,
Được bên mẹ tết đoàn viên hạnh phúc.
Mẹ: Ngày giỗ cha con gia đình mình sum họp,
Cùng đón giao thừa xuân đạm bạc mà vui./.
__________________________________
Long Xuyên, ngày 26 tháng 01 năm 2016.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---