ĐÓA HOA ĐỜI TẬN TỤY
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Muôn vạn cánh hồng, cúc, huệ, phong lan,
Khoe sắc thắm hương nồng nàn trong nắng
Nhưng anh chỉ yêu một loài hoa thầm lặng
Là đóa hoa đời thơm ngát giữa lòng…
Vào Nam Ai
… anh.
Nở quanh năm, gieo ấm áp an lành
Vào tâm hồn trong trẻo vạn mầm xanh
Nuôi ước mơ khôn lớn trưởng thành
Em chính là cô giáo mầm non
Những ngón tay mòn, hằn vết lo toan
Bao trăn trở nặng vai sờn
Gieo nhân nghĩa điều ơn
Hôm sớm gian lao muôn việc vẹn tròn
Không tị nạnh so bì những thiệt hơn
Anh còn nợ em sự chuộng chiều
Còn nặng nợ vạn thương yêu
Quên thức từng đêm kề vai ấm lạnh
Trao môi hôn cho hương lửa thêm nồng
Bởi vô tâm để em phải gánh gồng
Anh chợt nghe lòng quặn thắt từng cơn.
Vọng Cổ
Ôi thương biết mấy đóa hoa đời tận tụy. Luôn tỏa ngát nghĩa nhân sắc hương lòng chung thủy, em chính là một loài hoa quý nhất… trên… đời.
Câu 1. Không lộng lẫy kiêu sa mà lấp lánh rạng ngời.
Là tia nắng rọi mầm xanh Tổ quốc,
Nhen nhóm ngọn lửa hồng vào nhân cách tuổi thần tiên.
Giữ bầu trời luôn trong trẻo nét hồn nhiên,
Để vẽ yêu thương nuôi hoài bão đạt thành.
Những đôi má tròn mắt sáng long lanh,
Em thức giữ canh an lành từng mơ ước.
Nói Dặm
Tâm tình cô giáo mầm non
Dưới trăng khuya rọi khuyết tròn từng đêm
Lạnh lùng sương ướt hồn tim
Mong chia sớt vạn ưu phiền cùng em.
Câu 2. Từ sớm tinh sương đến hoàng hôn tím lạnh, thân gầy yếu mỏng manh em tay bế tay bồng.
Ru tiếng à ơi ôm ấp vào lòng.
Em chăm lo từng đứa con bé bỏng,
Dạy biết vâng lời, học câu xin lỗi, cảm ơn.
Đứa ăn không ngon, đứa giấc ngủ chập chờn,
Đứa nũng nịu kêu cha, đứa lại khóc đòi có mẹ.
Muôn vạn yêu thương em chia đều san sẻ,
Còn cao cả nào bằng cô giáo mầm non.
Nói Lối
Rồi em về làm mẹ của các con
Cũng bữa cơm ngon, cũng ngọt lời dạy dỗ
Muốn tựa vào anh tìm bờ vai che chở
Vẫn nét dịu dàng của người vợ hiền ngoan.
Vọng Cổ
Ngoài kia cúc, huệ, hồng, lan với cuộc sống giàu sang bên đời khoe sắc thắm. Em bởi vì ai mà chông gai vạn dặm, đêm lạnh từng đêm thăm thẳm đến… canh… tàn.
Câu 5. Trang giáo án còn lan tận tụy thấm tràn.
Anh ôm lấy như giữ gìn báu vật,
Cố nén nỗi lòng mà nấc nghẹn từng cơn.
Dòng chữ nào cũng in đậm nét thâm ơn,
Em dâng cho đời là hoa thơm mật ngọt.
Để nhận về mình xanh xao vàng vọt,
Lắm tiếng thị phi nghe chua xót âm thầm.
Lý Con Sáo
Ai nuôi con
Chăm sóc dỗ dành thương yêu
Ai chuộng chiều nâng niu
Ai dạy con nhân cách đầu đời
Biết hiếu cha thảo với mẹ làm đầu
Ôi đóa hoa đời sắc hương ngát thơm
Gieo nghĩa nhân xây đắp vạn điều ơn
Mong nụ cười luôn trên môi trẻ thơ
Vẽ ước mơ sáng tươi vạn mầm xanh.
Câu 6. Hương sắc thanh cao của đóa hoa đời tận tụy, luôn tỏa ngát mênh mông gieo nhân nghĩa ngập đầy.
Những cánh lan, hồng, cúc, huệ quanh đây,
Dẫu lộng lẫy kiêu sa khoe dáng ngọc ngà trong nắng.
Nhưng anh chỉ yêu một loài hoa thầm lặng
Là đóa hoa đời thơm ngát giữa lòng anh./.
Long Xuyên, ngày 18 tháng 11 năm 2015.
_________________________
(* Viết tặng vợ Lê Thị Ngọc Anh- Cô giáo mầm non Nhà trẻ Tuổi Thơ - Long Xuyên)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---