ĐỒI 336
Soạn giả Trọng Nguyễn
LỐI
ĐồI Ba Ba Sáu
Còn có cái tên thật buồn – Núi Cỏ Đen
Nơi anh sống trong những năm chinh chiến
Giữa núi rừng heo hút gian truân.
LƯU THỦY HÀNH VÂN
Mây trắng bay vờn quanh đó đây
Đường quanh quanh đá tai mèo
Mưa đêm giọt ngắn xót xa
Giọt dài bâng khuâng
Đồi xanh xanh
Mây phủ quanh chập chùng.
VỌNG CỔ
Anh vẫn ở đây dưới nắng lửa mưa dầu đêm về giá rét.
Ơi! Người lính Việt Nam đầu trần, chân đất dày dạn gian lao quen gió núi mưa… rừng.
CÂU 1
Mười năm anh vẫn hành quân giữa rừng núi chập chùng. Cơm vắt, rau rừng trong những ngày đánh giặc, người bạn kiên cường của rừng núi Kô Kông. Quen tiếng chim đêm đi tìm bạn, quen con sóc, con đồi trước lều trại của anh. Đồi Ba Ba Sáu ẩn hiện một bức tranh, có bước chân anh giữa núi rừng thành mùa xuân nắng ấm.
CÂU 2
Có những chiều đông mưa về thăm núi, núi mơ màng đứng ngắm dãy trời xa. Đóa hoa trên tay cành hoa sim tím, theo anh đi trong mây đẹp tựa thiên thần. Cuộc sống của người lính giản đơn mà đẹp vô ngần. Đọc sách, làm thơ, đón giờ nghe vọng cổ… nhớ xứ sở quê nhà yêu từng giọng ca quen. Anh cám ơn dòng sông Mê Tích, cho anh ngắm những chiều đỡ nhớ Cửu Long. Chim vích cô rủ nhau về khi chiều xuống, anh thương cánh cò trên đồng lúa miền Tây.
LỐI
Cho em gửi những chiếc hôn nồng thắm
Và lời nói ân tình bên người lính em yêu
Cho em được ăn một bữa cơm dã chiến
Trước giờ hành quân có được không anh?
LÝ SƯƠNG MÙ
Sao anh mỉm cười
Ơi! Nụ cười dễ thương
Nói đi anh, anh nói đi em mừng
Vì sao anh nhìn
Anh cứ nhìn mênh mông
Nhìn ánh mắt trao
Em biết anh xúc động
Thương em nhiều phải hông
Hỡi tấm lòng thủy chung.
VỌNG CỔ
Có lần em theo mấy má, mấy cô về thăm mặt trận :Chín Bảy Chín”
Thăm sư đoàn Bốn của anh được truy tặng Sư đoàn anh hùng các lực lượng vũ trang sau mười năm chiến đấu kiên… cường.
CÂU 5
Em biết cuộc chiến ở đây không phải bình thường. Bao nhiêu đồng đội của anh đã nằm xuống, họ vĩnh viễn không về để nhìn lại quê hương. Dù anh chỉ làm thinh mỉm cười không nói, mà đôi mắt long lanh những dòng lệ tiếc thương. Đồi Ba Ba Sáu hằn sâu nhiều kỷ niệm, của mười năm trên đất bạn anh hùng.
CÂU 6
Anh gom lá rừng nấu bữa cơm dã chiến. Rồi bảo em ăn vì anh sắp hành quân. Anh hôn em nụ hôn vội vã, mà ngọt ngào đầm ấm biết bao nhiêu. Nắm tay em rồi anh quay đi như ngọn gió, đoàn quân xuống đồi lẫn khuất giữa ngàn cây. Em đứng trông theo mà tiếc ngơ, tiếc ngẩn, sao không hôn anh thật nhiều trước lúc hành quân.
Cành hoa sim anh trao hồi nào anh không nhớ, chỉ nhớ nụ hôn còn ấm đến bây giờ. Đêm xuống trăng lên ngọn đồi như say ngủ, mùi hương nồng trong sắc tím hoa sim. Lần đầu tiên trên đồi Ba Ba Sáu, em biết đợi chờ bằng giá tr5i của tình yêu./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.