ĐỒNG NAI NGÀY MỚI
A Lý Phượng Tuyền
NGÂM THƠ
Về đây nhớ Trấn Biên xưa
Bên cù lao Phố hàng dừa nghiêng nghiêng
Êm đềm con nước triền miên
Dòng sông đầm ấm nghĩa tình mến yêu
LÝ CÁI MƠN
Đồng Nai ơi… niềm vui chan chứa
Khí phách hiên ngang, bóng hình vẫn như còn đây
Thuở khai hoang, cùng gian khó hiểm nguy không sờn
Giọt mồ hôi thắm cùng nước non
Quyết chí không hề lui
Ôi, dáng hình người xưa như còn sống lại… chẳng hề phai.
VỌNG CỔ
1 - Con sóng vỗ lăn tăn như bao nỗi băn khoăn hiện về trong tâm tưởng. Từ một cuộc chinh Nam ông cha ta làm sáng ngời trang lịch sử, cho xứ sở Đồng Nai đậm nét huy hoàng… Từ mảnh đất hoang vu đầy muỗi vắt thú rừng… Thương biết mấy tiền nhân trên đường mang gươm đi mở cõi, trải bao công khó nhọc nhằn mới có được ngày nay (-)
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định – Đồng Nai thì về
Câu hát tự bao đời sao nghe ấm áp tình quê, Trên miền đất sử anh hùng đượm nồng câu chung thủy.
2 - Ai về Đồng Nai, ai qua cù lao Phố, mới thấy công khó của tiền nhân đã khổ công xây đắp vun bồi… Dòng nước lững lờ trôi thêm ấm áp tình người… Vun đắp phù sa cho vườn xanh trái ngọt, cho đồng lúa vàng bát ngát cánh cò bay (-) Đẹp làm sao hai tiếng Đồng Nai, mưa nắng miền Đông ấm tình màu đất đỏ. Theo nhịp bước thời gian Đồng Nai xây đời sống mới, khu công nghiệp Biên Hòa trên đường đi tới tương lai.
NÓI LỐI
Tình đất đỏ miền Đông theo năm tháng
Vẫn chan hòa cùng ý Đảng lòng dân
Đồng Nai ơi, thương nhớ biết bao lần
Niềm tin mới,
Trong ngày vui Biên Hòa ba trăm năm xây dựng
VỌNG CỔ
5 - Hành trình cuộc chinh Nam là bản hùng ca bất tận, mãi mải âm vang trong tiềm thức mỗi con người…Quyết chí dựng xây, nối bước tiền nhân đã ra sức vun bồi… Đất thắm nghĩa nhân, đất nuôi những người con trung hiếu, dòng nước ngọt ngào cho vườn cây trái tốt tươi (-) Vẫn lặng thầm theo năm tháng đầy vơi, mang phù sa vun bồi cho xứ sở. Cho mãi đến ngàn sau Biên Hòa vang danh là xứ bưởi, ngọt ngào sao sầu riêng đất Long Thành.
6 - Ba trăm năm, Từ ngày đất Biên Hòa được khai sinh, hơn hai mươi năm kể từ khi nước nhà giải phóng. Cuộc sống mới đi lên trên bước đường xây dựng, hối hả xây đời bằng khối óc bàn tay. Nông trường cao su xanh ngát cuối trời mây, ngói đỏ rừng xanh ai vẽ nên tranh bốn mùa khoe sắc thắm. An Lộc, Bình Sơn, Dầu Giây, Cẩm Mỹ, ơi những nông trường có hào khí đấu tranh. Bất khuất kiên cường với truyền thống liệt oanh, tiếp bước cha anh trên con đường cách mạng. Hướng tới tương lai theo ngọn cờ của Đảng, Xây dựng nếp sống văn minh no ấm đẹp giàu (-)
Đồng Nai ơi, biết bao sung sướng tự hào, miền đất đẹp tựa bài thơ cùng với địa linh nhân kiệt.
Ba trăm năm, đất Biên Hòa
Biết mấy đậm đà. Ôi thương quá Đồng Nai.
(Một trong 10 bài hát hay nhất được khán giả đài truyền hình Đồng Nai bình chọn năm 2008)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.