DÒNG SÔNG ĐUỐNG
Ý thơ: Hoàng Cầm
Lời vọng cổ: Đặng Thanh Huyền
Ngâm Thơ
Nam: Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Nữ: Sông Đuống trôi đi… Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì.
Vọng Cổ
Câu 1. Nam: Đứng bên này dõi mắt về bên kia sông Đuống, mà bao xót xa ngậm ngùi nuối tiếc ai hiểu hết nỗi đau thể xác tinh… thần…
Ôi nhớ diết da hương lúa nếp thơm nồng… Nữ: Đây tranh Đông Hồ nét tươi trong gà lợn, cảnh thanh bình yên ả còn đâu. Nhớ cồn cào bãi mía nương dâu, thương dòng sông Đuống nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì. Nam: Nghe xót xa như rụng bàn tay, ngỡ máu thịt rơi giữa vùng quê Kinh Bắc.
Lý Cái Mơn
Nữ: Từ ngàn xưa… vùng quê Kinh Bắc
Bãi mía nương dâu bạt ngàn thiết tha người ơi
Dáng nghiêng nghiêng dòng sông Đuống ngàn năm tự hào
Nam: Lòng nhói đau khi quê nhà tang thương
Ta vững tin ngày mai
Xuân thanh bình nắng tươi thắm đẹp miền quê.
Câu 2. Nữ: Vẻ đẹp quê hương sáng ngời bỗng chìm trong khói lửa, nhà cháy ruộng khô ngùn ngụt lửa hung tàn… Mẹ con đàn lợn rưng rưng trong giây phút chia lìa… Nam: Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã, giờ tan tác về đâu. Khát vọng ngàn đời hạnh phúc bình yên, mà nay hội hè thay bằng tiếng chuông chùa văng vẳng. Nữ: Thương những cánh cò luôn dãi dầu mưa nắng, nuôi lớn con mình đi giành độc lập tự do.
Lý Con Sáo
Nam: Ơi mưa rơi
Thêm buốt lạnh lòng mẹ tôi
Nữ: Người mẹ hiền quê hương
Tóc bạc phơ đói lạnh canh trường
Giữa đêm giông áo bạc vai sờn
Nam: Như cánh cò chịu muôn gió sương
Thân xác héo hon còm cõi già nua
Đời mẹ nghèo gian truân xiết bao
Cảnh đạn bom nay khổ nhọc càng hơn.
Vọng Cổ
Câu 5. Nữ: Giặc đến… Những cánh cò không chốn nương thân vội vàng bay hốt hoảng. Vùng quê yên lành bỗng trở thành đất dữ, mẹ bước thấp cao trên đường trơn mưa lạnh đi… về…
Nam: Ngày lẫn đêm nguy hiểm luôn kề… Những đứa trẻ cơ hàn đói rách, thon thót giật mình, ú ớ cơn mê. Nữ: Bóng giặc giày vò những nét môi xinh, lòng căm giận trong tim hồng sôi sục. Sông tiễn người trai lên đường đi đánh giặc, có một dòng sông son sắt đợi anh về.
Ngâm Thơ
Nam: Có con cò trắng bay vùn vụt
Lướt ngang dòng sông Đuống về đâu
Nữ: Mẹ ta lòng đói dạ sầu
Đường trơn mưa lạnh mái đầu bạc phơ.
Câu 6. Nam: Em ơi đừng hát nữa lòng anh đau, hãy chờ nhau đêm hẹn thề bên dòng sông Đuống. Để trăng vằng vặc soi mối tình da diết, vui Đất nước thanh bình thỏa ngày tháng đợi mong. Nữ: Rồi yếm thắm lụa hồng em đi trẩy hội non sông, cho nụ cười mê say rộn ràng vùng quê Kinh Bắc. Trên khắp quê hương sẽ không còn bóng giặc, cho những nét môi xinh vui đón hội hè.
Nam: Anh đi bảo vệ quê nhà
Cho quê hương Đất nước yên bình em ơi!
Nữ: Ngày về lại với quê hương
Bên dòng sông Đuống em thương đợi chờ./.
Long Xuyên, ngày 20 tháng 10 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---