DÒNG SÔNG MĂNG QUÊ MẸ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Con thả hồn theo sóng nước sông Măng
Đêm không trăng vay ánh đèn đom đóm
Nhờ rặng bần ngăn che dòng sương sớm
Mở lối về ngồi ngắm tuổi thơ…
Vào Nam Ai
… xưa.
Từng nhịp võng đưa (+) nghe xào xạc tàu dừa
Cơn gió lùa mát giấc mơ trưa (--)
Nắng lưa thưa len lỏi nghịch đùa (+)
Khẽ chạm vào ánh mắt hồn nhiên
Thấy mẹ hiền, một kiếp truân chuyên
Đời lắm nỗi ưu phiền (--)
Năm tháng dài triền miên (+)
Dòng sông tuổi thơ chở khẳm ơn tình
Vai nặng oằn (+) mẹ trọn niềm tin
Tương lai xán lạn con mình
Sẽ tỏa rạng (+) bình minh
Sóng nước sông quê tràn tuôn đêm Chánh Hội
Hay lệ rơi (+) đẫm ướt tim lòng
Tuổi thơ xưa thấp thoáng bềnh bồng
Chảy ngược dòng sông Măng (+).
Vọng Cổ
Trên lối cũ thân quen ngày xưa lấm phèn lầy lội. Con vội bước nhanh mở bức màn đêm tối, về lại nơi xưa thăm Chánh Hội… quê… mình.
Câu 1. Thương dòng sông Măng nặng chở ơn tình.
Như mẹ một đời chắt chiu dành dụm,
Từng lo lắng thương chiều nuôi lớn khôn con.
Xưa ngọn dừa còn tươi tốt xanh non,
Nay lủng lẳng treo tàu lá héo cỗi cằn.
Vầng trán mẹ hiền chẳng biết nói năng,
Chỉ viết nhọc nhằn bằng nếp nhăn năm tháng.
Nói Dặm
Rặng bần thăm thẳm ven sông
Bao chiều len lén theo dòng nước trôi
Bơi xuồng hái trái bẻ đôi
Nửa dành cho mẹ nửa ngồi con ăn.
Câu 2. Nhớ dòng sông quê tà dương về ráng đỏ, dưới đáy nước lung linh in dáng nhỏ con khờ.
Trèo hái bần chua để mẹ ngóng chờ.
Nụ cười con nắng chiều soi lóng lánh,
Để lo lắng mẹ hiền quyện tím lục bình trôi.
Nằm cúi trên giường con sợ lắm đòn roi,
Mẹ có đánh đâu mà cứ sụt sùi nức nở.
Mé sông Măng bụi quao chìm vì đất lở,
Riêng tình mẹ vun bồi muôn thuở cuộc đời con.
Lý Con Sáo
Ôi nhớ thương
Đêm ấy mẹ ngồi bên con
Suốt canh tàn nỉ non
Con ơi con mai xuất giá theo chồng
Nhớ công dung ngôn hạnh vẹn toàn
Lời dạy hôm nào còn đây chứa chan
Luôn khắc ghi chẳng phút giây nào quên
Sắc tím bông bần rụng trôi mé sông
Con vớt lên để sưởi ấm tình thâm.
Hò
Hò… hớ… ơ…
Lạ thay cho cái bông bần
Búp xanh nhụy tím lại gần không thơm
Riêng mẹ già dù tóc bạc lưng khom
Mà hoa đời tỏa ngát… hò… hớ… ơ…
Mà hoa đời tỏa ngát nghĩa ơn… cao…
Vào Vọng Cổ
... dầy.
Câu 5. Nước sông Măng có khi cạn khi đầy.
Còn tình mẹ luôn tháng ngày lai láng,
Một mạch nguồn vô tận yêu thương.
Nơi ngỡ cỗi cằn mà ngào ngạt mùi hương,
Là giọt mồ hôi trên tấm lưng còng của mẹ.
Nhánh bần de chạm vào hồn con thật khẽ,
Cho nức nở đêm sương trôi lặng lẽ theo dòng.
Câu 6. Ánh dương hồng đùa giỡn nước sông Măng,
Quyện sắc tím bông bần nơi miền quê Chánh Hội.
Con nhón chân dòm qua hàng rào khẽ gọi,
Nghe tí tách lá dừa cháy vội lúc hừng đông.
Co ro bên bếp than hồng
Mẹ ngồi sưởi ấm lệ lòng tuôn rơi
Con về thăm mẹ mẹ ơi!
Sông trơ bờ bãi mà chẳng vơi thâm tình.
Cây dừa già cao tít tắp ven sông,
Treo lủng lẳng từng tàu khô héo.
Thương mẹ lưng còng bên ngôi nhà xiêu vẹo,
Chờ đợi con về cho thôi lạnh lẽo nước sông Măng./.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 12 năm 2015.
___________________________________
(* Viết tặng chị Kim Hên - Quê xã Chánh Hội, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---