ĐỪNG QUÊN
Soạn giả Trọng Nguyễn
NGÂM
Nữ: Chiều xuống lâu rồi trăng chửa lên
Trăng còn bận bịu ở làng bên
Hoặc thăm bạn cũ thời thơ ấy
Nên hẹn trễ giờ với bóng đêm.
Nam: Ủa, sao em ví em là bóng đêm, là vầng trăng chớ.
Nữ: Ừa, thì vầng trăng mà trăng cuối hạ
Mặt trăng bầm vì thương nhớ đợi chờ
Cũng như Tầm Vu một làng nhỏ quê nghèo
Người ta sẽ quên là điều dễ hiểu.
CAO PHI
Nam: Anh nào có quên
Em dỗi hờn vội trách anh hoài.
Cho buồn bay bay
Như sương khói phủ kín lòng ai
Nữ: Trông anh đã khác, không giống
Con người năm ấy em yêu quý
Quen sống thị thành
Đèn giăng như mắc lưới
Có nhớ gì ánh trăng.
Nam: Xe cộ rộn ràng, lầu cao cao đó
Anh thương hoài mái tranh.
VỌNG CỔ
Nữ: Tầm Vu xứ của em một làng nhỏ quê nghèo như mùa trăng cuối hạ. Con trăng gầy không đủ nguồn để tỏa sáng, nhưng trăng của niềm tin dù có soi lặng lẽ… âm… thầm.
CÂU 1
Ơi! Trăng của Tầm Vu luôn là ánh trăng rằm. Con trăng đã trở thành huyền thoại, sáng mãi trong lòng của cô bác Thạnh Xuân.
Nam: Em ơi! Em đừng giận, đừng hờn, đừng ưu tư cho lòng mình trống vắng.
Nữ: Dù bây giờ ai nhớ ai quên, Tầm Vu vẫn là niềm tự hào của xứ sở.
CÂU 2
Nam: Ầu ơ… Em là con gái Tầm Vu
Đêm nghe mẹ hát, mẹ ru nhắc chừng
Con ơi! Chớ giận người dưng
Để già trước tuổi, người dưng họ cười.
Anh thương em từ cái thuở lên mười.
Nữ: Vậy là… anh tội nghiệp em côi cút, biết phận mình em đâu dám giận người dưng.
Dò sông, dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Nam: Lòng người muốn đo thì đo cũng được, sợ hiểu lầm rồi lại giận người dưng.
ĐỐI THOẠI
Nữ: Lòng người đo được phải cần đến thời gian
Khi hiểu ra em là người thua cuộc
LÝ TẦM QUÂN
Nên buồn, ơi nỗi buồn vu vơ
Nghe gió xô, sóng cũng ghen đôi bờ
Người ơi! Có về, có nhớ về bến xưa
Bờ bến cũng đau với tháng năm đứng đợi
Cứ thương hoài Tầm Vu
Vẫn một lòng… sắt son.
VỌNG CỔ
Nam: Tầm Vu ơi! Tôi nhắc mãi tên người là để tưởng nhớ một kỳ công thuở trước, của bộ đội cụ Hồ đã làm rạng danh xứ sở. Giờ đây ai còn, ai mất mà sao ánh mắt em tôi còn nằng nặng thương… buồn.
CÂU 5
Ơi! Cũng có người hờ hững với cội nguồn. Vội quên đi tình làng nghĩa xóm, sống cho mình lòn cúi kiếm lợi danh. Chén cơm ta ăn, bộ đồ ta mặc, có nước mắt của bao người và cả máu xương!
Nữ: Biết bao tuổi xuân quên mình vì đất nước, cho ta một quê hương bát ngát tình người.
CÂU 6
Nói vậy thôi chớ trách anh để làm gì, khi đã quay lưng thì đường xưa ai mà nhớ. Một bông hồng sắc màu luôn rực rỡ, bông lục bình có nở để rồi quên.
Nam: Anh nhớ câu:
“Bần cư náo thị vô nhân vấn
Phú tại lâm sơn hữu viễn thân”.
Nữ: Biệt thự ông hoàng dù chẳng có tên, ở nơi đâu cũng có người tìm đến. Anh như con sông chảy qua ngàn bến, chắc cũng sẽ quên bến cũ nơi quê nghèo.
Nam: Ở gần hay xa không thể làm cho ta cách trở, chỉ sợ lòng người e núi ngại sông.
Nhớ Tầm Vu, nhớ chiến công
Yêu em anh nhớ, thề không đổi đời./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.