ĐƯỜNG VỀ HAI THÔN
Lời nhạc: Phạm Thế Mỹ
Lời cổ: Soạn giả Viễn Châu
NHẠC:
Đường về thôn em duyên dáng bên ven sông con thuyền xuôi mái.
Nhịp cầu băng qua men lối đi quanh co ngõ hoa nối dài.
Nhà em cuối xóm ghép đôi mái tranh nâu, trăng cài trước sau.
Có tằm mến thương dâu, có trầu vấn vương cau.
Và đào tơ thơm ngát, ngát hương trinh ban đầu.
Đường về thôn anh con sáo ru êm trên đồng xanh lúa.
Nhịp cầu băng qua đưa tới sân rêu xưa thắm hoa bốn mùa.
Nhà anh mái lá tháng năm vẫn chưa nghe duyên tròn ước mơ.
Có giàn mướp xanh lơ. Có hồ cá nên thơ.
Mà lồng chim quê vẫn hát bao câu mong chờ.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Nào có đâu xa đường về thôn anh hay dẫn đến thôn em cũng chung một con đường đất đỏ. Ngăn cách một dòng sông có nhịp cầu tre nho nhỏ hoa nở ở nhà em mà gió mang hương cho thơm tận thôn… này. (-)(-) Nhà anh ở đầu thôn Đồng, nhà em ở cuối thôn Đoài. (+) Những đêm trăng đầy trăng cài trước ngõ. Em ra sau vườn hái lá dâu đắng mù sương. (SL) Tằm nợ dâu xanh tằm nhã tơ làm kén, còn em trong lòng có vương vấn mối tơ. Tằm nợ lá dâu nên tằm còn phải trả, còn em… em có nợ gì đâu. Hồn anh em mượn lâu rồi em đâu có trả./-
Câu 2:
Tâm hồn của anh thì anh giữ, em có mượn hồi nào đâu mà bảo rằng em nợ, biết làm sao để trả bây giờ. (-)(-) Em đã giữ của anh tấm lòng yêu tha thiết dại khờ. Mượn hồi nào? Mượn từ hồi đó đó…! Hồi gặp em lần đầu ngồi giặt áo ở cầu ao. Hồi đó đó nhưng mà hồi đó anh có nói gì đâu. Anh chỉ đứng dựa gộc sung nhìn em cả buổi vậy đó. Anh đứng đó là để chờ… Anh chờ gì? Chờ sung rụng. Nhưng sung chưa rụng mà hồn anh đã chìm lắng dưới cầu ao./-
NHẠC:
Đường về hai thôn mai mốt đôi uyên ương qua cầu soi bóng.
Nhủ thầm sông ơi, gương nước chưa phôi pha ta còn thương hoài.
Trời quê bát ngát sẽ trông thấy tương lai qua tình lứa đôi.
Lúa đồng mãi xanh tươi, mướp cà thắm nơi nơi.
Và vành môi trai gái hát câu ca yêu đời.
Nhịp câu đưa lối, chúng bước hai thôn, ta đón trăng về mừng duyên quê.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Chừng đó đường về hai thôn nở đầy hoa dại. Chắc mình cũng đi trên nhịp cầu tre trên con đường cũ mà nghe lạ nghe vui như mới biết một hôm… này. (-)(-) Em có biết tại sao hôn? Không! Em hãy nhìn dưới chân cầu, bóng hai đứa mình lung linh soi đáy nước. Quen nhau lâu rồi mà bây giờ mới dám nắm bàn tay. Bởi vậy nên anh mới nở nụ cười thật tươi à… Ủa, chớ bộ em hổng thấy vui sao? Em bỗng thấy thoáng buồn thoáng nhớ. Nhớ guồng tơ thông lá dâu xannh và nhớ mẹ già.
Câu 6:
Em khéo đặt chuyện làm khó anh thì thôi hà. Anh hỏi em nè? Từ đây qua đó có bao xa mà em bảo là em thấy buồn thấy nhớ. Con tằm ăn lá dâu xanh còn phải nhã tơ vàng trả nợ, tụi mình nên duyên phận trong đời là làm đẹp lòng mẹ cha. Nhưng mà mẹ em sức yếu tuổi già, sớm hôm phụng dưỡng mới là đạo con. Đã có con hiền còn thêm thằng rễ thảo, sớm thăm tối viếng mẹ đâu có buồn lòng. (SL) Nhà em còn có mấy nong tằm, dệt vải ươm tơ để đó cho anh liệu. Còn vườn nhà anh em phụ lo làm cỏ, cùng một con đường mà xa cách là bao.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: