GÁNH BƯỞI BIÊN HÒA
Soạn giả Viễn Châu
HÒ:
Hò ơ… sông Biên Hòa chảy ra bãi cát
Bưởi Biên Hòa vị ngọt mùi thanh
Mười năm khói lửa đao binh
Cô em bán bưởi, hò ơ…
Cô em bán bưởi bỏ mình tại ai?
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Ngọn gió xuân thổi mơn man trên đường quê mát rượi, yểu điệu trên vai một gánh bưởi Biên… Hòa. (-)(-) Nàng hé nụ cười duyên đưa đôi hàm răng trắng nuột như ngà. (+) Nghiêng nghiêng vành nón lá, bó sát thân hình trong chiếc áo bà ba. (SL) Nàng mời tôi mua giùm bưởi làm quen, tôi chưa vội trả lời... vì mãi say sưa ngắm mớ tóc huyền, đang tung bay chập chờn trước gió./-
Câu 2:
Mời anh mua bưởi Biên Hòa,
Bưởi này là giống Thanh Trà thiệt ngon
Mua về để tặng bà con,
Bưởi em đem bán ngọt ngon như đường. (-)(-)
Tôi vui vẻ nhận mua sau khi nghe tiếng nói dịu dàng. (+) Trước khi chia tay cô em, tôi còn ngỏ lời trêu ghẹo, hẹn với cô. (SL) “Cũng rằm tháng mười năm tới, khi có dịp ra thăm bà con ngoài Long Hải tôi sẽ ghé lại Biên Hòa để mua bưởi dùm cô"./-
Câu 3:
Chiếc xe từ từ chuyển bánh, gió cuốn bụi mù che lấp cả làng quê. Tôi quay đầu nhìn lại bên nhịp cầu tre thì thấy cô cũng nghiêng nón nhìn theo với tôi ra chiều thân mật. Tôi về nhà mơ hình tưởng bóng gặp gỡ bên đường nào lại nhớ thương? (SL) Đêm đêm tôi nằm mơ thấy cô gái quê trên đường mờ cát bụi. Giọt mồ hôi thấm trên làn tóc rối, nặng oằn vai một gánh bưởi Biên Hòa./-
Nói lối:
Khi đất nước hãi hùng trong khói lửa,
Máu căm hờn bừng dậy khắp quê hương.
Đất Biên Hòa cũng nhuộm hết tang thương
Hàng bưởi ngọt như còn vương màu chiến họa.
VỌNG CỔ:
Câu 4:
Lũy tre xanh giờ đây đã úa tàn trong nắng hạ. Cây lá xơ rơ như nhuộm máu dân... lành. (-)(-) Vườn bưởi năm xưa trái hết sai oằn. (+) Nhưng cô gái năm xưa đâu vắng dạng? Chỉ thấy lá vàng rơi rụng đầy sân. (SL) Tôi bỗng thấy như cõi lòng rào rạt bâng khuâng, nhìn thấy lại bóng nàng thôn nữ. Bên nhịp cầu tre lắt lẻo, nụ cười duyên nở giữa môi hồng./-
Câu 5:
Một ông lão đầu râu tóc bạc, ngồi vót nan tre dưới bóng đa già. (-)(-) Khi nghe tôi hỏi thăm, lệ bỗng chan hòa. (+) “Cậu ơi! Con Duyên, con của lão đã chết rồi giữa tuổi thơ ngây. (SL) Trong khi giặc xâm lăng nó tràn vào xóm nhỏ, con gái tôi quyết giữ tròn câu trinh tiết nên đã cắn lưỡi quyên sinh trong một tối trăng mờ./-
Câu 6:
Trời ơi! Nghe ông lão giãi bày cớ sự, tôi bàng hoàng như sét đánh ngang tai. Những chiếc lá vàng thi nhau rơi rụng tung bay, như muôn giọt lệ khóc đời trinh nữ. Cô Duyên ơi! Nụ cười duyên đã tàn trong khói lửa... nhớ đến ngày này năm xưa thêm xót xa cho một kẻ bên đàng. (SL) Tiếng chim vẫn hót líu lo, đàn bướm trắng vẫn chập chờn bay lượn.
Gió đưa cành trúc là đà
Cô em bán bưởi Biên Hòa còn đâu!.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: