GIỌT SỮA CUỐI CÙNG
Trọng Nguyễn
Nói Lối
Bọn giặc gầm lên: "Chồng mầy đâu? Đồng đội mầy đâu?"
Chị lắc đầu: "Tôi không biết."
Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: "Bắn!"
"Khoan hãy chờ tôi giây lát"
Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc.
Phụng Hoàng:
Nước mắt trào tuôn chị thầm gọi con … ….ơi.
Bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa.
Ơi con của tôi, ơi bầu sữa.
Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con.
Mai mốt đây,
Con tôi có khát sữa thì sữa mẹ đâu còn.
Chỉ còn nằm mơ trong giấc ngủ.
Giấc ngủ chập chờn khát sữa bú tay.
Con hỡi con ơi,
Cám cảnh mồ côi ngơ ngác giữa cuộc đời.
Con hỏi mẹ đâu sao không ai nói nên lời.
Chỉ có mưa rơi gió ru vách nhà xào xạc.
Con ngỡ mẹ về nào có thấy mẹ đâu.
Mối thù sâu con ơi khắc ghi trong dạ.
Bú nhanh lên để kịp lớn với đời.
Một chút nữa thôi con, mẹ phải xa lìa.
Vọng Cổ
Lũ giặc xông vào đứa trẻ bị lôi ra khỏi vòng tay mẹ. Chị không kịp gọi con khi loạt đạn sát nhân xuyên qua bầu sữa nóng của người mẹ anh …………hùng.
1/ Tiếng khóc trẻ thơ chìm trong bong tối lạnh lùng.
Chị run rẩy tìm con trong đôi tay bất lực, máu tuôn trào nhuộm đỏ đất quê hương.
Đêm tháng tư trăng sao giấu mặt, để rộng một khoảng trời ôm lấy tiếc thương.
Giọt sữa và tấm lòng gởi lại quê hương, ôi chuyến đi xa chị trở thành liệt sĩ.
2/ Bọn giặc hèn nhát không dám nhìn mắt chị, nổ súng sau lưng rồi vội vã rút lui.
Vĩnh Hưng ơi xứ sở này sâu thẳm quá lũ giặc không làm sao hiểu được lòng người.
Giọt sữa cho con dành sự sống cho đời.
Súng gươm của giặc không cạy được nữa lời khai báo, chỉ có tiếng ru buồn chị dành lại cho con.
Ấu … ơ..con ơi con ngủ cho ngon, mai sau khôn lớn nước non đợi chờ.
Câu hát ru thay lời nguyền của chị, trong giấc ngủ ngàn đời chị thấy được ngày mai.
Nói Lối
Nguyễn Thị Tư tên của chị dịu hiền như bông lúa.
Nghe giọt buồn làm tím nổi đau xưa.
Hoa cỏ may kết lại những nắng mưa.
Gói thời gian ấm dòng sữa mẹ.
Vọng Cổ
Những đồng đội năm xưa về đây đứng lặng yên bên mồ của chị, nước mắt cứ rơi rơi ngập ngừng trong hơi thở nghe gió chở lời ru hay tiếng thì thầm của chị sắp vĩnh biệt con còn nghe rõ đến bây ….giờ.
5/ Con nói với ba đừng đợi đừng chờ.
Nói với các chú đừng lo cho mẹ, dù mẹ không còn nhưng còn cả niếm tin.
Nói với con như căn dặn lòng mình, đừng run sợ trước bầy lang lũ sói.
Chị vẫn biết con mình chưa biết nói, nó có hiểu gì đâu nhưng chị cứ dặn dò.
6/ Hoa cỏ may ai trồng bên mộ chị, màu tím rưng rưng gợi nhớ ngày xưa.
Vĩnh Hưng ơi! đất anh hùng mỗi bận tôi qua, đều có bóng dáng và dấu chân của chị.
Dấu chân xưa vẫn còn nằm trong đất, đất kiên cường dấu chân ấy cũng trổ hoa.
Chị ơi tôi đang viết về chị một bài ca mà nước mắt đã làm nhoà trang giấy.
Tôi nghe đâu đây như có dòng sữa ấy, chảy giữa quê hương làm cao rộng những công trình
Mỗi chiến công đổi bao nhiêu xương máu.
Chỉ có giọt sữa cuối cùng chị gởi lại cho con.
Đêm Vĩnh Hưng lúa trở mình ngậm sữa.
Dâng hạt gạo cho đời thêm giọt sữa cho con./.
Nghệ sỹ, soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân, sinh năm 1938, tại xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, trong gia đình nông dân, yêu nước, yêu quý ca nhạc tài tử, cải lương. Trọng Nguyễn còn có các bút danh khác như: Dương Nghĩa Trần, Khắc Tâm, Bùi Công Sắc.[1]
Từ thuở còn đi học trường trung học Thái Văn Lung, Trọng Nguyễn đã được học nhạc với nhạc sỹ Trương Bỉnh Tòng và Hoàng Mãnh.
Năm 1954, khi mới vừa 16 tuổi Trọng Nguyễn đã thoát ly gia đình, đi theo cách mạng, được tổ chức phân công, lần lược qua các nhiệm vụ, như: tổ trưởng tổ giao liên, phân đoàn trưởng thanh niên lao động, tổ trưởng trong lực lượng vũ trang tỉnh Cà Mau.
Năm 1961, Trọng Nguyễn được về làm Bí thư Đoàn của Đoàn Văn Công tỉnh Cà Mau, cũng là thời gian thuận lợi nhất để Trọng Nguyễn phát triển tài năng nghệ thuật của mình. Năm 1972, Trọng Nguyễn được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ, chính tri viên, Đoàn Văn Công Khu Tây Nam Bộ. Từ đó, Trọng Nguyễn lần lược giữ các nhiệm vụ như: Chủ tịch Hội VH, NT tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Việt Nam, Liên Chi Hội trưởng Chi Hội Sân Khấu Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ năm 2002, Trọng Nguyễn bắt đầu hưu trí.
Cuộc đời nghệ thuật của Trọng Nguyễn được bắt đầu từ sáng tác thơ, từ những năm 1950. Nhưng công chúng biết nhiều đến nghệ danh Trọng Nguyễn qua những bài ca Vọng cổ, kịch bản cải lương, và một số bản tân nhạc. Trong đó, có 19 kịch bản cải lương, hơn 200 bài ca Vọng cổ. Nổi bật có các tác phẩm như: Giọt Máu Oan Cừu, Bóng biển, Rừng Thần; Ơn Đảng, Bạc Liêu Ngày Ấy, Chợ Mới, Giọt Sữa Cuối Cùng.v.v. Hầu hết các tác phẩm của Trọng Nguyễn đều được xuất bản, phổ biến trên các phương tiện truyền thông.
Trọng Nguyễn xứng đáng được tôn vinh là một trong những cánh chim đầu đàn của tỉnh Bạc Liêu, trong hơn 40 năm qua, với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật ca nhạc tài tử, cải lương tại địa phương, cũng như Miền Tây Nam Bộ. /.