GÒ BÀ SÁU NGỌC
(Viết về liệt sĩ Trang Văn Học – Quyền Bí thư Thành đoàn năm 1970)
Nguyễn Minh
NÓI LỐI
Ai đã đến một lần rồi nhớ mãi
Nơi ghi công đội võ trang Thành đoàn
Nơi Long An có Chi bộ Đảng đầu tiên
Gò Bà Sáu Ngọc, cái tên đã gắn liền năm tháng.
LÝ CON SÁO
Trên lối đi… Còn mãi bóng hình người xưa!
Ghi nhớ một thời liệt oanh
Với bao khát vọng dâng đầy
Cho quê mẹ yên bình…
Biết bao tấm lòng bà con chở che!
Vẫn vẹn nguyên theo tháng năm dần trôi.
Căn cứ ngày nào còn vang chiến công!
Nhắc nhở cháu con tiếp bước cha ông.
VỌNG CỔ
1 - Chiều nay, dẫn tôi ra đốt nén hương nơi cái gò cao sau nhà của mẹ, chị ba Luật không kiềm được dòng nước mắt khi kể tôi nghe về lịch sử quê… nhà…. Nơi tuổi thanh xuân chị dành trọn đời mình.
Quên hết riêng tư để dốc lòng cho cách mạng, khí phách can cường trên mỗi bước chân đi.
Đốt nén hương lòng chị nhớ mãi người xưa, người đồng đội chị thương như ruột thịt.
Mấy mươi năm rồi mà ngỡ phút giây, nắm chặt tay tôi chị lén lau dòng nước mắt.
2 - Ngày đó tại cồn Bình Thạnh, anh Năm Tranh đã hi sinh trong trận chống càn… Bọn giặc quá hung hăng bắn phá kinh hoàng.
Chị nhớ như in anh nằm trên tay chị, không kịp nữa rồi đồng đội đã mất anh!
Người chiến sĩ anh hùng gan dạ trước hiểm nguy, sống trọn vẹn giữa tình thân đồng đội.
Quê hương mất đi người con ưu tú, ơi! Biết mấy ân tình chị nhớ mãi về anh.
NÓI LỐI
Hôm ấy, vội đắp cho anh tấm chăn bùn xơ xác,
Khi tiếng bom dồn thôi thúc hành quân.
Đồng đội nghiêng mình nước mắt chảy vào tim,
Thêm ý chí cho ngày mai chiến thắng.
VỌNG CỔ
5 - Bọn giặc xông vào nơi anh nằm đó, nhìn thấy gương mặt anh không hiểu vì sao chúng lặng lẽ bước ra mà không nói nên…lời… Phải chăng, giặc khuất phục trước anh rồi!
Bởi chúng vội vàng rút quân về căn cứ, khép lại một ngày đẫm máu nơi đây.
Cảnh vật giờ sao tĩnh lặng buồn tênh, vẫn nghe đâu đây tiếng gọi còn vang vọng.
Ba Luật ơi... nhảy xuống! Mà nghe tê tái cả lưng trời.
6 - Chị nhảy xuống sông, theo lời anh Năm thúc dục, đó cũng là lời sau cùng trước lúc hi sinh.
Bỗng chị ba Luật xiết chặt tay tôi rồi thổn thức, để cơn gió vô tình làm khoé mắt thêm cay!
Kí ức quay về trong khoảnh khắc còn vương, để xã Phước Lâm thêm một lần thương nhớ!
Ơi! Con sông này có về cồn Bình Thạnh? Cho gửi chút niềm riêng theo sóng nước đong đầy.
Hôm nay có dịp về Gò Bà Sáu Ngọc, thăm căn cứ Thành đoàn nơi vang tiếng ngày xưa.
Để biết thêm về một thời tuổi trẻ! Vì nước quên mình cho độc lập tự do.
TP.HCM, ngày 17 tháng 02 năm 2011
Tác giả Nguyễn Minh, hay còn được biết đến với bút danh Võ Minh hoặc Sông Vàm Lẽo, là một cái tên quen thuộc và uy tín trong giới sáng tác vọng cổ. Với vai trò Chủ nhiệm Kho tàng Vọng cổ Việt Nam, Nguyễn Minh đã khẳng định tài năng và dấu ấn riêng của mình qua những sáng tác lời vọng cổ mang phong cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Ca từ do anh viết không chỉ tuân thủ chặt chẽ về mặt giai điệu mà còn mộc mạc, giản dị, dễ đi vào lòng người. Điều này giúp cho người nghệ sĩ dễ dàng thể hiện cảm xúc và khán thính giả cũng dễ tiếp nhận và yêu mến.
Sau hơn 10 năm miệt mài với nghệ thuật sáng tác, vào năm 2011, Nguyễn Minh đã tự biên tập và xuất bản tập ca cổ “Nỗi lòng người con xa xứ,” tập hợp 26 bài vọng cổ mang đậm dấu ấn cá nhân. Năm 2012, anh tiếp tục chủ biên tập ca cổ “Vọng cổ đồng quê,” được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ cấp phép, khẳng định sự công nhận từ giới chuyên môn.
Ngoài vai trò sáng tác, Nguyễn Minh còn là người sáng lập Câu lạc bộ sáng tác “Vọng cổ đồng quê,” nơi quy tụ và đào tạo các tài năng mới. Đặc biệt, anh là tác giả sáng lập “Kho tàng Vọng cổ Việt Nam” và chương trình “Vọng cổ Đồng quê,” với các sản phẩm được biên tập, thu âm và phát sóng chuyên nghiệp thông qua website vongco.vn, đưa dòng nhạc truyền thống đến gần hơn với khán giả đương đại.
Không chỉ dừng lại ở vọng cổ, Nguyễn Minh còn sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, nhận được sự yêu mến từ đông đảo khán thính giả. Sự cống hiến không ngừng nghỉ của anh đã góp phần bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống Việt Nam trong thời hiện đại.
Bài viết liên quan:
1. Công chức lập Câu lạc bộ Vọng cổ [Báo Pháp luật TP.HCM]
2. Nguyễn Minh - Chàng trai trẻ với chương trình Vọng cổ phát sóng online
3. Nỗi lòng người con xa xứ [Tạp chí Nhà báo & Nghề báo]
4. Tập vọng cổ "Nỗi lòng người con xa xứ của Nguyễn Minh
5. Tặng người nghệ sĩ tài hoa [Tác giả Đặng Thanh Huyền]
6. Ngày trở lại [Tác giả Việt Ngữ]
7. Nhớ chiều hạnh ngộ [Tác giả Việt Ngữ]
8. Xin viết về em [Tác giả Hoài Minh]