HAI BẢN ĐÀN XUÂN
Soạn giả: Viễn Châu
Nói Lối
Thánh thót tơ đồng tiếng nhặt khoan
Trúc tơ vờn nhẹ cánh mai vàng
Đêm Xuân ghi lại dòng Xuân cảm
Giữa phút giao thừa, pháo nổ vang…
NHẠC
Xuân đã về đêm nay, hương giao thừa lung lay
Cung đàn xa vắng anh viết lên dưới làn mây trắng
Mây khói trời xa, bên núi rừng bao la
Mịt mùng sông núi bao cái Xuân ta đi xa nhà..
Đây cung đàn đêm Xuân, gieo tâm tình bâng khuâng
Mỗi mùa Xuân tới, ta đón Xuân tận ngoài biên giới
Ai nhớ mình không? Ta sống đời quân nhân.
Cung đàn đem vắng như nhớ ai tiếng tơ…ngập…. ngừng…
Câu 1: Tôi đón nàng Xuân với mấy đường tơ rung cảm. Hoà lẫn tiếng súng từ xa vẳng lại phía…
VỌNG CỔ
… chân… trời…
…Cầm bút đưa lên chưa vội viết nên lời….
Nơi biên cương giữa đêm trừ tịch, thao thức suốt canh trường chỉ có một mình tôi (+) Tay ôm đàn mắt ngắm lá vàng rơi, xuân năm nay tính đã mấy xuân rồi? Tôi vẫn đón xuân ở giữa miền rừng sâu, núi thẳm…
Câu 2 (giọng nhạc): Chìm trong thôn xa. Tai lắng nghe chuông chùa ngân nga. Tiếng u buồn, trầm trầm vang trong khói sương mịt mờ…
…Dãy núi rừng xa, sắc lá thay mùa…
Bản đàn xuân với mấy dòng tâm sự, giữa đêm tàn anh gửi tặng cho em (+) Gió Xuân ơi! Hãy mang giùm ta những nổi nhớ, niềm thương về đến chốn cố hương diệu vợi. Giữa đêm nay có một người con gái, đang đợi chờ một bản nhạc đầu xuân…
Thơ
Sương buông tỏ một nỗi buồn cô động
Như mơ màng tiếng nhạc vọng rừng khuya
Giữa biên cương lặng lẽ đón xuân về
Ta cảm thấy tai mơ hồn chiến sỹ
Mây trắng trôi về rặng núi xanh
Trầm ngâm say lắng nhạc tâm tình
Đêm nay có kẻ còn thao thức
Dạo mấy cung đàn, tặng cố nhân…
Câu 5: Xuân năm ấy em tiễn đưa tôi bằng một bản ca buồn tê tái…Tôi nhớ em xin gởi lại mấy …
VỌNG CỔ
.. cung… đàn…
Nhạc đêm xuân sao trầm lặng mơ màng..
Mai mốt có đến tôi một người chiến sĩ, hãy lên dây đàn và thầm gọi cố nhân (+) Bởi tôi đã đi trong một tối mùa xuân, trong khói súng lúc biên cương mịt mờ khói lửa. Trên vai tôi có cây súng trận và trong lòng tôi có bản nhạc tâm tình.
Câu 6: Tôi hẹn cùng em giữa một đêm xuân, trong khi em đang ngồi đón giao thừa trong túp lều tranh. Nhìn mấy cánh hoa xuân vừa hé nụ, gió xuân đưa nhẹ mấy hàng tơ liễu rũ, và mơ màng quyện khói hương bay. Tôi sẽ bước vào trong lớp áo quân nhân và ngồi xuống cạnh bên người bạn cũ. Vai tôi vẫn còn mang cây súng trận, nhưng bản nhạc chia ly đã đổi bản tương phùng…
Nhạc
Hoà trong đêm mơ.
Vang lừng tiếng tơ
Phút giây chung cùng
Đây ngày tương phùng (về vọng cổ)
Tôi sẽ lên dây nắn phím tơ đồng,
Tặng em một bản nhạc lòng đêm xuân!
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: