HẠNG VÕ SỞ BÁ VƯƠNG
Tác giả: Soạn giả Viễn Châu
Thơ:
Máu thấm loan đầy nhuộm chiến y
Tả tơi khôi giáp rách quân kỳ
Ngập ngừng gió ngựa miền quan tái
Giữa chốn sa trường vạn tử thi.
VỌNG CỔ:
Câu 1:
Trời ơi tiếng sáo thê lương như mỉa mai người tuyệt vọng đang đứng bơ vơ trong tiếng trống kinh... hoàng. (-)(-) Cát bụi mờ bay che phủ ánh trăng tàn. (+) Bên tai ta còn nghe văng vẳng, giọng u hoài của tiếng sáo Trương Lương. (SL) Ta có ngờ đâu một đời ngang dọc vẫy vùng của Hạn Võ Sở Bá Vương hôm nay lại gặp bước đường cùng. Ba ngàn tử đệ vong thân, cung điện huy hoàng cũng chìm trong khói lửa./-
Câu 2:
Giữa lúc sa cơ Ô Chùy như nản bước, nên gió câu đã mỏi mệt ê chề. (-)(-) Hết lương khô nên gió ký nặng nề. (+) Giọt mồ hôi ướt đầm manh áo chiến, trời ơi máu quân thù hay máu của thân ta. (SL) Trời không thương còn nổi trận mưa sa, dòng lệ hận chan hòa đất nối. Trước mặt ta là Tràng Giang cản lối, nẻo đi về khó nỗi dời chân./-
Hò ơi...
Bến Ô Giang trăng vàng in đáy nước
Gió đông lạnh buốt như ghẹo khách anh hường
Đâu rồi người bạn tình chung
Đìu hiu sương khói...
Hò ơi...
Đìu hiu sương khói, lạnh lùng cỏ cây.
VỌNG CỔ:
Câu 5:
Nhưng ai có ngờ đâu ngày nay Hạn Võ Sở Bá Vương phải nhất nhơn nhất mã lạnh lùng trên gió ngựa nẻo biên... thùy. (-) Đình Trưởng ơi ngươi có nhớ chăng có lần ngươi đã đưa ta qua bến sông này. (+) Sau lưng ta là mấy ngàn tử đệ, chiêng trống rộn ràng như đất lở trời long. (SL) Ta xuống đò ngạo nghễ nhìn ngươi, nheo đôi mắt nhìn Ô Giang gợn sóng. Giây lâu ta tuốt gươm và cất tiếng cười rộn rã, một cánh tay cũng lệch đất nghiêng trời./-
Câu 6:
Nhưng ngày cuối cùng của một võ tướng lừng danh, cơn thất thế bị vây nơi Cai Hạ. Mở huyết lộ ta lên lưng tuấn mã, nhìn lại bên mình không một đứa tàn quân. Chẳng biết ta sa cơ vì tiếng sáo Trương Lương, hay cũng bởi lòng dân ly tán. Thôi thôi Đình Trưởng ngươi ơi, ngươi hãy cắt đầu ta đến Hán dinh lãnh thưởng, ta còn sống làm chi cho nhục nhã ê chề. (SL) Ngu Cơ! Ngu Cơ...! Sở Bá Vương từ đây không còn nữa, mộng thôn tính sơn hà đã tan tành theo bọt nước Ô Giang./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: