HÁT NƠI ĐẢO XA
Nhạc: Nguyễn Văn Hiên
Lời cổ: Phạm Huỳnh Luân
NHẠC
Cây Bàng Vuông, cây Phong Ba, cây Bão Táp, cây Tra, cây Chuối, cây Đu Đủ, cây Dừa
Những hàng cây giữ màu xanh cho đảo, như anh đêm ngày giữ biển quê hương
Em hát anh nghe tấm lòng người hậu phương, dẫu đảo xa xôi nhưng lòng vẫn thấy gần
Mỗi khi nghe đảo xa đầy giông tố, xao xuyến bồi hồi nhớ đảo không yên.
VỌNG CỔ
Ơi! Những hàng cây như bức tường thành ngăn phong ba bão táp; những hàng cây vươn màu xanh bát ngát vẫn sinh sôi giữa cánh sóng muôn trùng ...
Câu 1: Cây bám đảo giữ màu xanh cho đảo trong lành ... Tự bao giờ trên lồng ngực đảo, có tên câyBàng cây Bão Táp cây Phong Ba. Rồi theo anh vượt ngàn dặm sóng khơi xa, thêm những cây Chuối cây Tra đu đủ cây Dừa. Dẫu đất đảo bốn mùa chịu khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng cây vẫn xanh mầm từng chồi non nảy nở.
Câu 2: Lời em hát vang gửi theo từng con sóng, dù đảo xa xôi nhưng lòng vẫn thấy gần ...
Nơi ấy Trường Sa anh vững dạ yên lòng ... Miền hậu phương luôn kề vai sát cánh, từng phút từng giờ dõi mắt hướng về anh. Mỗi khi nghe giông bão giữa tiền tiêu, lòng xao xuyến bồi hồi về phía biển. Sóng Trường Sa hay sóng lòng em đó, ở đất liền nhung nhớ đảo không yên.
NHẠC
Từ đảo xa nơi tiền tiêu giông bão, lời em hát bay cao nối đảo với quê nhà
Từ đảo xa giữa trùng dương sóng gió, ấm áp bao tấm lòng tuyền tuyến với hậu phương
Lưu luyến bao tấm lòng đảo xa với quê hương.
VỌNG CỔ
Anh ơi có nghe lời em hát vang xa tận trùng khơi hải đảo; lời em ca lấp cơn giông bão ấm lòng anh người chiến sĩ xa nhà ...
Câu 5: Lời em ca nối đảo xa với quê nhà ... Thương lắm anh ơi người hải quân áo trắng, vì tổ quốc chủ quyền anh dãi nắng dầm mưa. Anh là cây Bão Táp là cây Phong Ba, đứng giữa tiền tiêu ngăn từng cơn giông bão. Mỗi bước hành quân lướt ngàn con sóng dữ, bảo vệ biên cương bờ cõi thanh bình.
Câu 6: Những hàng cây giữ màu xanh cho đảo, như anh đêm ngày canh biển đảo quê hương. Đôi tay anh chăm sóc nâng niu, yêu quý cây như quý từng mầm sống. Để mai này giữa đại dương xanh thẳm, triệu triệu người bước theo thế hệ cha anh. Mang tiếng hát vang vọng giữa khơi xa, nối tuyền tuyến hậu phương liền một dãi. Cho nhịp đập trái tim hòa cùng nhịp sóng, và hơi thở từ Trường Sa mãi ấm áp nồng nàn ... Nơi phương xa anh có nghe tổ quốc gọi tên mình, từ tiếng sóng giữa trùng dương vang vọng. Lời em hát hay lời biển hát, như con sóng cuộn trào bao nỗi nhớ thương.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Phạm Huỳnh Luân với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 002- 2014/HĐTPSK - CLB, ký ngày 28/9/2014 giữa Tác giả Phạm Huỳnh Luân và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
--------
Tác giả Phạm Huỳnh Luân đến với cải lương và tập tành sáng tác từ những năm còn học cấp 3 đến nay đã hơn 20 bài vọng cổ, những sáng tác của anh luôn thấm đẩm tình người, tình yêu quê hương đất nước, sự cảm thông và sẻ chia với cuộc đời.
Có nhiều lúc Phạm Huỳnh Luân chia sẻ rằng: Vọng cổ như là gia vị để làm cuộc sống thêm đa đạng và thú vị hơn, được xem như là tiếng lòng để giải bày tâm sự, để tìm sự đồng cảm trong lúc rong ruổi một mình. Và anh cũng muốn dùng bài vọng cổ của mình để gửi gắm tâm tình đến bạn tri âm…