HỒN SUỐI SỌ
Phi Hùng
Nói:
Người kể chuyện, kể say sưa về chị.
Tôi ngồi nghe mà như gặp chị quanh đây
Tóc buông dài tha thước mỗi bước đi
Đôi mắt sáng khiến người nhìn điên đảo
Tiếng chị hát đêm trăng càng huyền ảo
Giọng mượt mà xao xuyến khách… tri…
Nam ai:
Âm…
Người nghe, nghe như tiếng gọi thâm trầm.
Từ lòng người lòng đất Dĩ An,
Và ta hãy đứng dậy làm người.
Môi chị cười sắc đỏ như son,
Toát ra từ nhịp đập con tim.
Rực lên như ánh mặt trời,
Xua tan bao cảnh đời tối tăm.
Quê ta trăm năm đau khổ lắm rồi,
Dân lành chịu cảnh đầu rơi.
Tiền nhân nối tiếp bao đời,
Đem máu xương người chống ngoại xâm.
Chỉ mong Dĩ An về sau giàu đẹp,
Người ấm no, đời hạnh phúc thanh bình.
Lời chị ca như trao hết lòng mình,
Chị giữ nghĩa tình đến lúc hy sinh.
Vọng cổ:
1. Chị là Nguyễn Thị Tươi vừa đẹp người đẹp nết, vừa yêu quê hương tha thiết vừa thương mẹ cha và người dân sống kiếp cơ… hàn… Không thể sống bình yên khi còn giặc cướp tham tàn. Đất Dĩ An, phải có người Dĩ An bất khuất, chị vận động mọi người vào tổ chức đấu tranh. Chẳng kể đêm ngày vượt đồn lũy giăng giăng, nơi nào khó là có chị Năm Lan, cái tên mới như có hương tỏa nhẹ nhàng, người kể chuyện nhìn tôi rồi cuối đầu lặng lẽ.
2. Giây phút lặng yên là lòng người tưởng nhớ, trời tháng 5 hình như cũng nức nở thương người. Đời trước hy sinh, là để đời sau thay đổi cuộc đời. Vì người, người Dĩ An dựng thêm nhà máy, mở rộng đường làng xây phố thị khang trang. Đây là ước mơ, những ngày sống giữa căn cứ Hố Lan, chị và đồng đội 1 lòng vì lý tưởng. Dĩ An đi lên vì bao lớp người nằm xuống, vì hạnh phúc bây giờ và mãi mãi về sau.
Nói:
Người kể chuyện đưa tôi về thăm đền Suối Sọ,
Nâng nén hương ngang mày mà mắt lại cay cay.
Gió man mát như cứa vào trái tim đau nhói,
Ráng chiều pha như máu nhuộm khắp ngàn…
Phụng hoàng:
Cây…
Như máu chảy dài theo dòng Mạch Máng.
Máu đồng chí mình, năm sáu tám,
Hơn bốn chục năm rồi, mà như mới hôm qua.
Lịch sử bản hùng ca,
Còn vang mãi trên đất Tân Bình.
Các đồng chí ơi, những anh hùng liệt sĩ,
Tôi nghe như các anh chị cười, trong lòng đất quê hương.
Ơi tuổi thanh xuân, cái tuổi đẹp nhất của con người,
Sống là lo ấm no hạnh phúc cho đời.
Chết phải liệt oanh,
Phải khiến quân thù khiếp sợ.
Các anh chị mãi mãi là tấm gương sáng ngàn sau,
Trong nỗi đau có cả tự hào Hồn Suối Sọ.
Hồn Suối thiêng liêng chảy mãi vào lòng,
Mạch Máng ơi, từ nay rực sáng giữa trời hồng.
Vọng cổ:
5. Chị Lan ơi trên bia tưởng niệm tên chị như quyện vào hương trầm cùng tên đồng đội, hồn chị như ẩn hiện quanh con suối khiến hình ảnh người đẹp ngày xưa đang sống lại năm… nào… Cái đẹp của chị, là hiên ngang giữa đạn réo bom gào. Cái đẹp hơn tất cả cái đẹp là lòng yêu nước, chị quyết chiến đến cùng trước thế giặc bao vây. “Các đồng chí ơi, kẻ thù muốn ta chết ở đây, ta bắt chúng gục ngã trăm lần chưa đủ”. Mạch Máng ơi, có nghe lời quyết tử, của chị Tư và đồng đội anh hùng.
6.Hồn Suối Sọ là 1 phần hồn thiêng sông núi mãi góp vào hồn người nhân nghĩa Dĩ An. Sọ liệt sĩ, suối Mạch Máng ôm chầm không dám động, sợ đau hồn người vì nước hy sinh. Những đêm trăng suối lấp lánh bóng cây rừng, như dãi lụa trong gió ru hồn băng giá. Ơi con suối nhỏ sao lòng mênh mông quá, nước mãi trong mãi chung thủy 1 dòng.
Chị Lan ơi, các đồng chí ơi, có biết? Dĩ An bây giờ giàu đẹp sống bình yên. Hớp ngụm nước, ăn trái đầu mùa vị ngọt, mấy ai không bùi ngùi tưởng nhớ người xưa.
Soạn giả Phi Hùng tên thật là Phạm Thành Lâm, sinh năm 1936 tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Năm 1960, ông được soạn giả Phạm Trần (rể của soạn giả Trần Hữu Trang), gọi vào căn cứ Củ Chi (khu Sài Gòn - Gia Định), để tổ chức giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng hợp pháp trên danh nghĩa ký giả với bí danh “Ba Việt”. Trở về Sài Gòn, ông cộng tác với nhiều tờ báo thời bấy giờ như : Bình Dân, Sân Khấu, Dân Nguyện, Dân Chủ ở mảng đề tài sáng tác truyện ngắn, thơ, vọng cổ . . . với nhiều bút danh khác nhau.
Cũng trong thời gian này, soan giả Phi Hùng đã cho ra đời hai vở cải lương đầu tiên là Hừng đông và Hẹn mùa chiến thắng. Cả hai được hai gánh cải lương Song Kiều và Thống nhất - Út Trà Ôn chọn để dàn dựng. Năm 1962, Phi Hùng được kết nạp vào Đảng nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam (Đảng CSVN).
Với phương châm sáng tác là bảo vệ văn hóa dân tộc, chống văn hóa ngoại lai, ca ngợi lòng yêu nước, chống ngoại xâm, soạn giả Phi Hùng liên tục cho ra đời các vở cải lương : Cửa chùa đẩm máu (gánh Ngọc Hoa), Mùa xuân hai mươi , Giấc mộng đêm xuân (viết chung với Nhị Kiều), Trăng mười sáu, Đường trăng… Ông cũng kiêm luôn vai trò đạo diễn cho gánh Minh Cảnh với vở Vợ Việt Nam do chính ông sáng tác. Nhưng vở này chỉ được phép công diễn khi đổi tên là Vòng tay người cũ.
Sau năm 1975, soạn giả Phi Hùng về công tác ở Sở VHTT TP.HCM, ông tiếp tục sáng tác nhiều vở cải lương lịch sử và ca ngợi truyền thống cách mạng: Người giữ mộ, Thất trảm sớ, Yêu anh từ độ ấy, Huyết thư và án tử, Cho đời soi gương, Tiếng hát người yêu.Về đất Kinh Châu (viết chung với tác giả Nam Sơn), Vòng cưới anh trao, Xuân về trên đỉnh Mã phi (viết chung với Minh Hải), Lá chắn biên thuỳ, Bông sen trắng,... Các tác phẩm của ông được nhiều đoàn cải lương ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây chọn dàn dựng… Nhiều vở diễn đã được trao vở đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các lần Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc.
Ngoài hàng chục kịch bản cải lương, soạn giả Phi Hùng còn là tác giả của nhiều bài vọng cổ được công chúng yêu thích: Như thời con gái,Tìm lại người xưa, Bạn đời, Bà mẹ Sài Gòn...
Năm 2007, soạn giả Phi Hùng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật cho ba kịch bản: Thất trảm sớ, Người giữ mộ, Cho đời soi gương (đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc). Ngoài ra ông còn được tỉnh Đồng Tháp tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Quang Diệu (lần thứ I).
Sự ra đi đột ngột của soạn giả Phi Hùng vào ngày 20/11/2014 để lại nhiều nuối tiếc cho bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Sân khấu cải lương mất đi một soạn giả tài hoa, tận tụy với nghề; những tác giả trẻ mất một người đồng nghiệp, người bạn, người thầy đôn hậu luôn sẵn sàng, hết lòng giúp đỡ, hướng dẫn những người đi sau trên con đường sáng tác.
THẢO VÂN