HUỆ TRẮNG BÌNH CHÁNH
Út Bình Điền
THƠ
Tôi về Bình Chánh ngoại thành,
Nhìn hoa huệ trắng tinh anh đón chào.
Hương thơm phảng phất ngạt ngào,
Xa rồi nhớ mãi sắc màu quê em.
VỌNG CỔ:
Câu 1: Rảo bước trên đường quê trời chiều nhạt nắng, gió vùng ven mơn man lồng lộng, thoảng đưa hương hoa huệ ngào ngạt…thơm…lừng…
Tôi bước chầm chậm từng bước ngập ngừng.
Trước sân nhà em có trồng nhiều hoa huệ
loài hoa ngạt ngào mọc thẳng vươn cao *
Màu trắng tinh anh đượm một góc vườn,
biểu hiện tâm hồn của người con gái trắng trong.
Ôi! đẹp vô ngần Bình Chánh quê em,
quê hương ngoại thành có loài hoa huệ trắng.
Câu 2: Em trao tặng tôi một cành hoa huệ, trao trọn niềm tin mơ mộng đầu đời…
Hoa trắng trao tay em bỡ ngỡ nghẹn lời.
Bình Chánh ơi! Ta hẹn ngày trở lại, vì quê hương em là nỗi nhớ trong anh *
Nhớ con đường quê trời chiều nhạt nắng, nhớ má em hồng nón lá che nghiêng
Nhớ mùi hoa huệ thơm lừng ngào ngạt, anh đã yêu rồi - hoa huệ trắng - quê em.
NỐI LỐI
Từ giã em tôi miệt mài năm tháng
Biết bao vùng đất lạ đã đi qua
Đã gặp nhiều loài hoa hương sắc mặn mà.
Nhưng chỉ nhớ em- Nhớ vườn hoa huệ trắng.
Câu 5: Mấy năm sau tôi trở lại thăm em, trước sân nhà em vẫn nở đầy hoa huệ trắng, Ôi! còn bóng hình em sao vắng biệt… đâu…rồi …
Hỏi ra thì em đã vắn số lìa đời.
Có con bướm trắng chập chờn bay quanh nấm mộ, như chỉ hướng em nằm an giấc ngàn thu *
Có phải bướm thay em nói với tôi lời vĩnh biệt, của cô gái ngoại thành hiền dịu thơ ngây.
Em ơi! vườn hoa huệ đang đâm chồi nẩy lộc, còn em đã đi xa đi mãi không về.
Câu 6: Em ơi! Anh đang bùi ngùi đứng bên nấm mộ, trong vườn hoa huệ nơi hẹn hò ngày xưa.
Nhớ em tóc xõa dài tung bay trong gió, nhớ miệng em cười duyên dáng làm sao.
Nhớ lần cuối cùng tay nắm trong tay, em khóc sụt sùi đưa tiển anh đi .
Em ơi! đường đời sao mình không chung bước, hạnh phúc bên nhau thắm đượm….tình …nồng (*)
Đời em bạc phận má hồng,
Nằm bên huệ trắng thơm nồng tấm thân.
Gió đông se lạnh mộ phần,
Tôi đứng tần ngần nhìn huệ trắng ngày xưa.
Tác giả Út Bình Điền khi 13 tuổi đã biết sáng tác thơ văn và có nhiều bài đăng trên báo Tuổi thơ (Sài Gòn) lúc bấy giờ. Đến năm 23 tuổi đã có bài vọng cổ đầu tay “Dấu buồn trên cát”. Những sáng tác của anh chất chứa nhiều nỗi niềm riêng, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình thầy cô, bạn bè… Ngoài bút danh Út Bình Điền, nhiều người còn biết đến anh với tên gọi khác như: Út Mót, Hoàng Hải.