HƯƠNG SEN TÌNH MẸ
Hoàng Song Việt
Lối: (trong nền nhạc dạo của Lý Năm Căn)
Mẹ ơi trong nắng hạ
Màu sen vẫn đậm đà.
Hương sen vẫn đang lan tỏa
Trong nhân thế gần xa.
Lý Năm Căn: (2 lần)
Ngàn xưa cho đến ngàn sau
Màu sen luôn vẫn thanh tao
Theo gió hương sen bay cao
Tình mang biết bao ước nguyện
Đời luôn tha thiết tình thương
Người luôn chan chứa lòng … nhân
Đem chút từ … tâm vui sống thuận hòa
Dù cho nhân thế buồn vui
Đời như sóng nước trôi xuôi
Gian khó hay trong cao sang
Nào ai chẳng mang nghĩa mẹ
Từ khi thơ ấu nằm nôi
Dài theo năm tháng dần … trôi
Bao nỗi buồn … vui, con lớn lên … người.
Vọng cổ câu 1:
Sen ơi! xin hãy cho ta mượn chút hương sen ngạt ngào bay trong gió, Dâng đến mẹ yêu thương bằng cả trái ... tim... mình.
Mượn chút thanh tao để điểm tô cho đẹp chữ thâm tình. Ân tình mẫu tử mênh mông cao đẹp quá, không thể nói thành lời, không thể viết thành thơ. Chân mẹ giẫm bừa gai góc chốn trần nhơ, để bước con đi trên nệm cỏ an lành. Cho đến ngày con khôn lớn thành nhân, thì đời mẹ gian truân trăm phần cay đắng … (nghỉ 4 nhịp)
Lối vào vọng cổ câu 2:
Sen đã nở ngàn năm sen vẫn nở
Hương vẫn thơm vạn kiếp vẫn còn thơm
Đời người dẫu có ngàn năm
Đến ngày mẹ cũng âm thầm đi xa.
Mẹ đã đi xa dẫu tình còn để lại, nhưng con biết tìm đâu hình bóng mẹ hiền. Ai có sống trong nhung gấm bạc tiền, vẫn thấy tủi buồn cho phận mình côi cút, rồi ân hận cho những ngày còn mẹ ở bên ta. Đã không lo tròn bổn phận làm con, có khi còn làm cho mẹ buồn, mẹ tủi. Dù có ăn năn, có muôn phần tiếc nuối, thì mẹ có còn sống giữa trần gian…
Lối: (trong nền nhạc dạo của Lý Bông Dừa)
Mẹ còn đó như tàng cây xanh mát
Mất mẹ rồi xơ xác đời con
Vầng hồng khuất dạng đầu non
Bóng chiều rũ xuống, lệ con tuôn trào
Nói:
Mẹ ơi, con có hiếu thảo đến đâu, con có thương mẹ đến đâu, cũng không sao báo đáp được ơn sâu như trời biển, bây giờ con đã không còn mẹ nữa, con mới thật sự hiểu thế nào là thiêng liêng tình mẹ.
Lý Bông Dừa
Đêm về, nghe tiếng ru hời.
Lòng thêm thương nhớ bóng hình từ tâm
Ngồi đây nghe tiếng mưa buồn
Thương nước trên nguồn năm tháng về xuôi
À ơi, ơi hỡi à ơi.
Tình thâm muôn đời …. như màu sen tươi.
Vọng cổ câu 5:
Trời đất nở sen tươi như tình mẹ ngàn đời vẫn ở bên con trẻ, Từng cánh lung linh như bàn tay của mẹ luôn dìu dắt nâng niu trên vạn nẻo .... phong... trần.
Dù mẹ có đi xa nhưng tình mẹ vẫn luôn gần. Cứ mỗi mùa Vu Lan về con lại thêm nhớ mẹ, rồi đem những đóa sen hồng dâng lên đức Phật từ bi. Con cầu mong hương sen sẽ mang tấm lòng hiếu thảo của con đến sưởi ấm cho cõi lòng của mẹ. Nhìn đóa sen tươi con dường như thấy lại hình bóng mẹ thân yêu như ngày nào.
2 câu kết bài:
Tình mẹ vẫn mênh mông, vô bến vô bờ, gởi lại cho con giữa dòng đời trôi nổi
Để cho con biết yêu thương nguồn cội, trọn đạo làm người trong một kiếp nhân sinh ./.
Phi Vân Điệp Khúc:
Hỡi ai đang còn tình thương của từ tâm
Nhớ cho bao lời trong đời
Quý yêu câu tình thâm
Như muôn ngàn đóa sen.
Hương thơm ngạt ngào
Tháng năm không nhòa phai
Lung linh trong màu nước mây
Như tình mẹ luôn thắm tươi
Dù nắng mưa vẫn bên đời con
Cho từng lời ru thiết tha
Còn ngân nga mãi trong cõi đời
Cho tâm hồn những ai làm con
Luôn mát dịu với niềm tin thiết tha
Lối: (trong nền nhạc Phi Vân Điệp Khúc Vĩ)
Sen đã nở, ngàn năm sen vẫn nở
Hương vẫn thơm vạn kiếp vẫn còn thơm
Trông sen con nhớ mẹ hiền
Hương sen tình mẹ ngọt ngào đời con./.
Bút danh: Hoàng Song Việt - Phạm Thái Nguyên - Nguyễn Hoàng Minh Khôi - Nguyễn Phương Hồng Anh - Nguyễn Trung Thành ...
Soạn giả Hoàng Song Việt tên thật Võ Văn Xong, là một soạn giả cải lương từng giành nhiều giải thưởng tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Từ người nhắc tuồng, ông viết những bài ca lẻ, rồi trở thành người chỉnh sửa kịch bản cho các đoàn cải lương.
Năm 1992, hai kịch bản Giấc mộng không tên và Sám hối đã khiến ông gắn bó với nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Các tác phẩm nổi tiếng khác của Hoàng Song Việt được dàn dựng, biểu diễn: Kim Vân Kiều, Hoàng đế Quang Trung, Chiếc áo thiên nga...
Gần 30 năm dấn thân theo nghiệp sáng tác, đến nay, tác giả Hoàng Song Việt đã viết, chuyển thể được khoảng 100 vở cải lương, trên 700 bài ca cổ. Trong đó, có rất nhiều vở cải lương được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn và đoạt được các thứ hạng cao.