HUYỀN HỘI NGÀY VỀ
Đặng Thanh Huyền
(* Viết tặng đồng chí Trung úy Võ Quốc Mến, quê xã Huyền Hội – Càng Long – Trà Vinh)
Nói Lối:
Ngày rời quê con lên đường nhập ngũ
Vẫn còn nhớ mãi đôi mắt mẹ hiền giọt lệ cứ rưng...
Nam Xuân:
Rưng...
Nắm chặt tay con khờ
Mẹ dặn dò đôi câu
Phút lưu luyến hồi lâu
Con nghe lòng như muối xát kim châm...
...Huyền Hội quê hương luôn mãi trong lòng
Tình chứa chan ấm áp mặn nồng
Càng Long nỗi nhớ chất chồng
Tiếng lời Tổ quốc thiêng liêng...
...Tuổi thanh xuân dâng hiến quê hương
Càng... hãnh diện tự hào
Là con của mẹ kính yêu muôn đời
Ôi từng lời câu nói mang theo...
...Bao tháng năm, giữ gìn như báu vật
Để ngày về rạng rỡ hôm nay
Nhớ thương ấm áp đôi tay
Của mẹ hiền... ngày ấy ra đi...
Vọng Cổ:
Câu 01: Rồi mỗi bước chân đi qua khắp nẻo đường nắng mưa sương gió. Có những phút giây con ngập ngừng đứng lại để thầm nghe lời mẹ dạy... năm... nào...
“Huyền Hội quê hương luôn hãnh diện tự hào...
Bởi có những người con sẵn sàng vì Tổ quốc, hăng hái lên đường bảo vệ non sông.
Dám xả thân mình làm theo thế hệ cha anh, gìn giữ quê hương muôn thuở thanh bình...”
Giọt lệ ngày nào thấm ướt hồn con, trên mỗi bước hành quân cho ấm lòng người chiến sĩ...
Câu 02: Huyền Hội ngày về con mang theo từ đơn vị, là bản lĩnh trung kiên khí tiết can trường.
Xin được dâng lên kính tặng mẹ hiền.
Để xóa bôi bao niềm riêng trăn trở, nơi quê nhà mẹ ngày tháng âu lo.
Mẹ chưa thốt lời nào mà con cứ ngỡ như xưa, được lắng nghe ngọt ngào trong từng câu nói.
Thương giọt lệ rơi tuôn tràn trên mắt mẹ, như con được tắm thâm tình ấm áp vạn yêu thương...
Vọng Kim Lang:
Thấp thoáng trong sương…
Heo hút trên nẻo đường.
Mái lá đậm yêu thương, người mẹ già ngống trông miền xa.
Đứa con tháng năm phương trời, chưa kịp về ghé thăm nhà xưa.
(+ + +)
Con nhìn, ngập ngừng quê nhà thay đổi.
Nắng sớm ngập tràn (-) ruộng lúa xanh bạt ngàn.
Con đường thênh thang dịu dàng, dừng chân nghe nhớ thương đầy vơi.
Tiếng em gái nhỏ năm nào, vẫn ngọt ngào như những ngày xưa.
(+ + +)
Đợi anh về nối lại yêu thương, tuổi thơ mối tình vẹn nguyên (+)
Muôn đời nặng mang, đến suốt đời không phai.
Vọng Cổ:
Câu 05: Chuyến xe đêm chở con về thăm Huyền Hội, dừng lại nơi xưa ngày mẹ hiền đưa tiễn vừa lúc bình minh sương đọng ướt…tâm… hồn…
Nhìn ngắm hồi lâu mái lá tranh nghèo…
Con dõi mắt kiếm tìm dáng hình người mẹ, cho thỏa nỗi nhớ bao ngày da diết quê hương.
Chợt nghe tiếng lời hòa lẫn trong sương: “Có phải thằng Hai, con đã về thăm mẹ?!”.
Rồi nước mắt bỗng tràn tuôn nghèn nghẹn: “Dạ, chính là con nơi đơn vị mới về…”.
Câu 06: Bữa cơm quê nhà ấm áp buổi đoàn viên, mẹ nói “con Lan vẫn mỗi ngày qua đỡ đần giúp mẹ.
Nó tâm sự hoài nói thương anh Hai thiệt, chỉ sợ con chê nó nghèo ít học nhà quê”.
Con vẫn một lòng một dạ sắt son, nhớ mẹ thương quê yêu em Lan ngọt ngào tha thiết.
Con mang về đây mối tình chung thủy, nhờ mẹ với Bác Ba cho hai đứa kết nghĩa châu trần.
Ngâm thơ:
Bâng khuâng Huyền Hội ngày về
Nhớ thương sâu nặng miền quê trong lòng
Mẹ hiền hết đợi ngống trông
Em thương giặt áo bên sông thôi chờ...
Long Xuyên, ngày 18 tháng 3 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---