KHÓC KẺ MÙ LÒA
Đặng Thanh Huyền
Nói lối:
Vạn lý phong sương trên dặm đường mờ mịt tối
Tôi đi tìm trong vô vọng bóng người thương
Em bây giờ hưởng hạnh phúc giàu sang
Làm sao biết kẻ mù đui đang mang niềm hận tủi...
Vọng cổ:
Câu 01: Rồi mai đây trên dặm trường phong sương vạn lối. Tôi sẽ dừng chân khi hơi tàn sức yếu bóng tối bao quanh phủ kín... thân... gầy.
Gặp lại cố nhân em có chút đoạ đày.
Xưa ra đi mang niềm đau hận tủi, khóc cuộc đời sao lắm nỗi trái ngang.
Em theo chồng tình cũ vỡ tan, đôi mắt sáng ngời cũng mù loà từ đó.
Vậy mà bao năm dài nơi xứ lạ xa xôi, tôi vẫn mơ về em với mối tình chung thuỷ...
Câu 02: Lang thang trên nẻo đường xa- Tìm em nơi chốn phồn hoa rực hồng.
Kỷ niệm còn đây nhưng em đã theo chồng.
Bước lang thang giữa phố phường hoa lệ, đôi mắt mù loà rảo khắp tìm em.
Tim chết dần đau đớn lại càng thêm, có phải tình xưa chỉ là đêm mộng mị.
Dòng lệ này khóc cho tình chung thuỷ, đôi mắt mù lòa đâu chỉ bởi vì yêu...
Ngâm thơ:
Dừng chân quán trọ bên đường
Nghe đâu hơi ấm người thương sưởi lòng
Ai vui hạnh phúc bên chồng
Để tôi lầm lũi nỗi lòng tái tê...
Vọng cổ:
Câu 05: Mỏi bước bôn ba tôi dừng chân bên quán trọ. Có phải em nhìn tôi là kẻ ăn xin đầu đường xó chợ bố thí tiền dư ngậm ngùi xúc động nhưng đâu phải em ơi tôi chính là kẻ mù đui đã một lần tin tưởng kẻ tham sang phụ bạc chữ... chung... tình.
Tôi bỏ ra đi là chấp nhận cho mình.
Dẫu lang thang nơi đầu đường xó chợ, làm kẻ tật nguyền nhưng đâu bán rẻ tình chung.
Số kiếp an bài chưa xoá hết nhớ nhung, nên đêm từng đêm vẫn còn hoài mộng ước.
Ngày vu quy tôi không nhìn thấy được, nhưng biết hạnh phúc an vui của kẻ theo chồng...
Câu 06: Khóc nữa làm gì giờ thành vô nghĩa, sao xoá được tủi hờn cay đắng kẻ đơn côi.
Em đi rồi ngàn dặm xa xôi, tôi tập cho mình sống trong u buồn bóng tối.
Hãy mơ một lần mối tình xưa nông nổi, để trọn cuộc đời mình vĩnh biệt em ơi.
Mai này trên nẻo đường hạnh phúc, biết người xưa còn nhớ kẻ mù lòa.
Ngâm thơ:
Ngoài kia gió thổi lạnh lùng
Đâu bằng buốt nhói giữa lòng đơn côi
Em giờ đã quá xa xôi
Tôi tìm trong bóng tối đời quạnh hiu./.
Cần Thơ, ngày 22 tháng 3 năm 2004.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---