LÒNG DẠ ĐÀN BÀ
Viễn Châu
LỐI
Vua nước Sở một hôm lòng thanh thản,
Cởi long bào giả dạng một thường dân,
Vác cần câu ra ngồi dựa thạch bàn,
Lòng vương giả mơ màng theo sóng nước.
VỌNG CỔ:
1. Gió động ngàn lau khua xào xạc, Sở Vương mới thả hồn theo những chiếc lá khô rơi tản mạn cuối chân... trời.
Lòng quân vương bỗng xúc động mối tâm tình.
Đưa tay vuốt chòm râu bạc, nhắp chén rượu đào nghiền ngẫm chuyện gần xa. Bỗng ngài đưa mắt nhìn một hang cua dưới thạch bàn, cua cái nằm lột vỏ trong hang, cua đực ngày đêm lo canh giữ cho vợ hiền, quên cả việc ra đi tìm mồi cho đỡ đói.
2. Mấy ngày sau khi coi bề hiền thê cứng cáp, vợ chồng cua mới sánh vai nhau đi dạo mát cạnh giang hà.
Sở Vương đứng ngắm đôi vợ chồng cua âu yếm đậm đà.
Ngài mới cất tiếng khen rằng, Lành thay cho tình chồng vợ, đẹp bấy nghĩa đạo tào khang. Rất đỗi loài vật còn nặng chữ phu thê, huống chi làm người ai chẳng trọng câu luân thường đạo lý. Chữ nhất dạ đồng sàng hề chung dạ ái, nhất nhật phu thê hề bá dạ ân.
3. Tháng lại ngày qua, nước thủy triều mấy phen lên xuống giữa trường giang. Hoa hồng, hoa điệp rụng rơi từng cánh mỏng. Đến ngày cua đực lột vỏ, thì cua cái mặc tình đi dọc, về ngang, bỏ cua đực nằm hiu quạnh trong hang, con ác phụ đã sanh lòng tàn ác. Nó dắt về một gã nhân tình có đôi càng to lớn để xé xác anh chồng bạc số vô duyên. Sở Vương thấy cảnh bạc đen, cất tiếng than rằng, Hỡi bể rộng trời cao! Đàn bà lòng dạ hiểm sâu, ngoài môi lại nói những câu chung tình.?
LỐI
Ôi! Ngán ngẫm bấy ân tình thế thái,
Não nùng thay, tối độc phụ nhân tâm.
Lòng Sở Vương như muối xát kim châm,
Giận bấy kẻ ân tình không giữ trọn.
VỌNG CỔ:
4. Để thử xem lòng dạ thế nhân ai người đen trắng, nên ngài mới viết bảng truyền rao khắp cả dân... tình.
Truyền cho thần dân hãy tuân theo sắc lệnh của triều đình.
Tất cả đàn bà Sở quốc, ai can đảm giết chồng đem thủ cấp dâng lên:
Được ban nhất phẩm phu nhân,
Lụa là gấm vóc, vàng ròng mười xe.
Từ trong thành nội ban ra,
Chiếu vua nước Sở gần xa đặng tường.
5. Chiếu chỉ truyền ra chưa đầy nửa tháng thì từ các mệnh phụ phu nhân, cho đến những trang thiếu nữ chung tình.
Họ cắt thủ cấp người yêu đến hoàng cung mong sao hưởng được lộc triều đình. Sở Vương dằn lòng căm giận, nhưng cũng phê liền một chiếu thứ hai, Ai, ai can đảm giết đặng vợ nhà, Trẫm sẽ chia phân nửa giang san Sở quốc. Một năm lặng lẽ trôi qua, không có một gã đàn ông nào đến hoàng cung để lãnh thưởng, bởi không ai nỡ cầm gươm giết thác vợ mình.
6. Thế rồi một hôm có một gã nông phu nghèo khổ, áo chẳng đặng lành, cơm chẳng đủ ăn, xin vào triều bái kiến đức vua, nhận gươm báu về nhà để giết vợ. Vua nhận lời trao kiếm và di hành theo gót kẻ nhà quê. Khi anh ta về tới mái lều tranh, đứng bên vách nghe tiếng vợ hiền ru con nghe não nuột, anh vội buông gươm, cất tiếng khóc van và chạy tìm Sở Vương dập đầu tạ tội, Bệ hạ ơi, ngu dân cam chịu chết, chứ không có nỡ nhẫn tâm xuống tay giết thác bạn tâm đồng. Sở Vương cất tiếng ngợi khen và truyền đem châu báu ngọc ngà ban thưởng.
Cho hay trong đạo vợ chồng,
Biết ai chung thủy, ai lòng bạc đen./.
Ông tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả[1], là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.
Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...
Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012 để tôn vinh những đóng góp và thành tựu nghệ thuật của ông.
Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành. Toàn bộ tác phẩm đều đã được đăng ký bản quyền[11]. Dưới đây chỉ là một số tác phẩm tiêu biểu: