MẸ TẦM VU
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Con: Mẹ ngồi đó đã bao chiều gió lộng
Mắt dõi nhìn thăm thẳm nước kênh trôi
Dòng Xà No con sóng cuộn lở bồi
Chẳng xói mòn niềm lạc quan chờ đợi.
Vọng Cổ
Xứ sở quê hương nay đã khoác lên mình áo mới. Phát triển dựng xây không ngừng đi tới, cờ đỏ tung bay phấp phới đón… xuân… về.
Câu 1. Riêng mẹ chẳng đổi thay, luôn giữ vẹn lời thề.
Dù cha với các anh đi không hẹn ngày trở lại,
Nhưng mẹ vẫn chờ son sắt một niềm tin.
Từ thuở quê nhà còn khói lửa điêu linh,
Đến lúc non sông thống nhất hai Miền.
Mẹ mong đón chồng con về trên mảnh đất Tầm Vu,
Nên thức trắng đêm để nấu xong nồi bánh tét.
Câu 2. Thấy tôi về mẹ vui mừng khôn xiết, miệng mấp máy hồi lâu rồi tha thiết từng lời.
Mẹ: Thằng Út hả con… sao cứ đi biền biệt phương trời.
Tao nhớ lắm cái hồi còn đạn bom ác liệt,
Mấy anh của mày chẳng hề sợ hiểm nguy.
Rồi mười ba, mười bốn tuổi đầu tụi nó quyết ra đi,
Đòi theo ổng ra chiến trường đánh giặc.
Đất Tầm Vu lúc bấy giờ bom cày đạn xới,
Từ ấy chẳng thấy ai về để tao đợi tao trông.
Ngâm Thơ
Con: Máu xương đổ xuống nơi này
Thắm tô trang sử dệt dày chiến công
Rạng ngời mảnh đất thành đồng
Mẹ Tầm Vu mãi một lòng kiên gan.
Lý Tương Phùng
Các con… vẫn chưa quay về
Tháng năm luôn chờ khói nhang mờ giăng
Thương chồng… ngày đêm trông ngóng
Mắt thêm khô cằn lòng đau buốt nhói tâm can
Dõi xa xăm nhìn thầm mong bóng hình năm ấy
Mẹ tôi muôn đời ngời trong tấm lòng sắt son.
Vọng Cổ
Thắp mấy nén hương, rồi mẹ nhìn tôi khẽ nói:
Mẹ: Trên mảnh đất Tầm Vu ngày xưa lửa khói, túp lá liêu xiêu quê nhà khổ đói, đêm ấy ổng đi tao gói bánh gửi… theo… cùng.
Câu 5. Đòn bánh tét giữa màn đêm quyện sương khói mịt mùng.
Ổng nói thôi… hãy để dành cho các con thơ dại,
Bởi đứa thì gầy gò, đứa lại đói sữa khóc la.
Anh Hai mày cứ đòi nằng nặc theo cha,
Nó nói: nợ nước thù nhà, phận làm trai con phải trả.
Còn thằng Ba thì cứ bồn chồn trong dạ,
Ánh mắt sụt sùi cay, khơi bếp lửa than hồng.
Câu 6. Con: Hậu Giang kiên cường đất mẹ quyện máu xương,
Những người con quê hương vì nước non nằm lại.
Mẹ: Con kênh Xà No nếu còn xiết chảy,
Thì tao mãi đợi ổng về thăm lại đất Tầm Vu.
Mấy anh của mày cũng lần lượt bỏ tao đi,
Tao không có giận, mà chỉ buồn thương, đau nhói.
Đã mấy mươi năm lập bàn thờ, nhang khói,
Mà chẳng biết tìm đâu tấm ảnh, hình hài.
Ông đi muôn dặm đường dài
Các con nối bước đêm ngày hành quân
Cho dù đang lội đồng bưng
Cũng về đây để đón xuân… tui chờ./.
Long Xuyên, ngày 10 tháng 10 năm 2015.
___________________________________
(* Bài vọng cổ MẸ TẦM VU đạt gải Khuyến khích cuộc thi sáng tác ca khúc và bài vọng cổ huyện Châu Thành A - Hậu Giang tổ chức 2015)
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---