MỎ CÀY NAM YÊU THƯƠNG
Đặng Thanh Huyền
Lý Cái Mơn
Nữ: Từng chiều buông dòng sông ôm ấp
Xao xuyến bâng khuâng hương dừa ngát thơm tình em
Nam: Nước nhớ nhung người xa xứ tháng năm tìm về
Còn nơi đây một thời dấu yêu
Nữ: Sương ướt rơi lòng em
Bước ngập ngừng đón ai ngóng đợi ngày đêm.
Vọng Cổ
Nam: Dừa ơi có nghe chăng tiếng lòng anh thổn… thức. Sao cứ vô tâm hững hờ chiều buông mái tóc để nhớ thương em chín đỏ ánh… dương… tà.
Câu 1. Dòng nước khoan thai như dáng nhỏ quê nhà.
Nữ: Đây cù lao Minh bao đời phù sa bồi đắp,
Cho cây trái sai oằn trên đất Mỏ Cày Nam.
Nam: Nơi phương trời cũng có kẻ ngày đêm,
Vun vén mối tình thơ bằng nhớ thương sâu nặng.
Hàm Luông ơi có hiểu nỗi niềm sâu lắng,
Của kẻ dại khờ gửi trọn tình tha thiết.
Ngâm Dặm
Nữ: Anh đi biền biệt phương trời
Bao mùa phượng nở bên đời cô liêu
Nam: Trên sông ai hát dặt dìu
Cho anh thêm nhớ thương nhiều em ơi.
Câu 2. Nữ: Thuyền đã khơi xa tháng năm dài sương gió, có nhớ bến sông quê em gái nhỏ mong chờ.
Bên rặng dừa xanh ve ra rả gọi hè.
Nam: Anh bỗng nghe trong từng hơi thở,
Như dập dồn hối hả những mùa thi.
Nữ: Cánh phượng hồng kỉ niệm buổi chia ly,
Ai tặng ai để ép vào tim muôn thuở.
Áo trắng một thời khắc ghi ngàn nhung nhớ,
Nơi xứ dừa thề vẹn giữ tình chung.
Lý Con Sáo
Nữ: Mênh mông xa những rặng dừa quê hương
Như mối tình sắt son
Sông Cổ Chiên sóng vỗ dập dồn
Nơi trái tim của kẻ chung tình
Nam: Cây trái quê nhà ngàn xanh thắm tươi
Thơm tóc em ôi thiết tha mùi thương
Bến vẫn chờ ngày đêm ngóng trông
Thuyền khơi xa nay đã quay về thăm.
Vọng Cổ
Nữ: Ơi thương biết mấy những rặng dừa xanh rễ bám sâu vào lòng đất Mẹ. Mãi sừng sững hiên ngang dù nắng mưa giông bão như những đứa con anh dũng… kiên… cường.
Câu 5. Bao bọc, chở che cho mảnh đất anh hùng.
Nam: Vượt Hàm Luông anh về thăm cái nôi Đồng Khởi,
Nơi có những con người hồn hậu, kiên trung.
Quyết xả thân mình vì đất nước quê hương,
Định Thủy ơi ngọn lửa lòng dân sáng mãi.
Nữ: Con nước sông quê quặn lòng nghiêng dòng chảy,
Như còn lẫn pha dòng máu căm hờn.
Câu 6. Nam: Sau bao năm dài xa cách quê hương,
Nay anh trở về tắm hồn trong thương nhớ.
Nữ: Em thương ánh trăng soi mối tình chung thủy,
Trên chiếc cầu đôi lứa tựa kề vai.
Nam: Phù sa vơi đầy cho cây trái oằn sai,
Nhớ mãi nụ cười em sáng cả trời thơ mộng.
Nữ: Nay xóm làng đổi thay tràn đầy sức sống,
Trên mảnh đất Mỏ Cày Nam giàu đẹp thanh bình.
Nam: Hàng dừa soi bóng lung linh
Ngỡ như mái tóc người tình xõa buông
Nữ: Lững lờ sóng nước Hàm Luông
Nam - Nữ: Cho thuyền gặp bến yêu thương trọn đời./.
Long Xuyên, ngày 13 tháng 4 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---