MÙA Ô MÔI CÓ MÁ
Đặng Thanh Huyền
Nói Lối
Hạ lại về nghe não nuột tiếng ve ngân
Xào xạc lá phượng rơi như báo hiệu mùa thương nhớ
Con vội lục tìm mùa ô môi có má
Để được cài lên ngực mình bông hồng đỏ thắm tươi.
Vọng Cổ
Má… Má ơi má chính là vốn liếng yêu thương nhất mà đời con có được. Không phải đợi đến khi bông hồng con cài lên ngực đặt ở nơi tim mới cảm nhận được thiêng liêng tình yêu thương tha thiết… vô… bờ.
Câu 1. Mà từ thuở ấu thơ con đã biết trân trọng giữ gìn.
Tiếng ve ngân vang giữa mưa đầu hè nặng hạt,
Cho thêm nhớ cồn cào mùa thương nhớ ngày xưa.
Là mẫu tử thâm tình trong những buổi hè trưa,
Mong chợ tan có trái ô môi thơm phức mang về.
Trong lúc chờ con đùa giỡn ngoài sân,
Phút chốc lại ngóng trông chạy ra vào trước cổng.
Câu 2. Khi thấy dáng má từ xa thấp thoáng, con vội chạy ra rồi reo lên “má đi chợ đã về”.
Một tay cầm giỏ đệm, tay ôm lấy trái ô môi khoe lũ bạn bè.
Rồi con lẽo đẽo theo má đi ra đằng sau bếp,
Mà tay không ngừng mân mê trái ô môi.
Đợi má nấu cơm xong rồi sẽ chẻ con ăn,
Từng múi đen lánh nhựa vị cay nồng ngòn ngọt.
Bởi quyện mênh mông tình yêu thương của má,
Theo con suốt cuộc đời để sưởi ấm tim côi.
Nói Lối
Mùa ô môi lại về nhưng đâu còn thấy má
Để được giỡn đùa ngóng đợi nữa ngoài sân
Đã bao mùa lá rụng trỗ bông
Là muôn nỗi nhớ thương chất chồng nghèn nghẹn.
Vọng Cổ
Mùa lễ Vu Lan là để cho những người con có dịp đáp đền công ơn cha mẹ. Con cũng đến tham gia và tự cài lên ngực áo một bông hồng đỏ dù má đang tiêu diêu nơi miền Cực Lạc tự... bao... giờ.
Câu 5. Vì má luôn sống mãi trong tim của đứa con khờ.
Con hối hận khi chưa tròn chữ hiếu,
Lòng ray rứt khôn cùng vì để má buồn đau.
Tuổi dại khờ nghĩ đợi đến lúc lớn khôn,
Sẽ mua cho má thật nhiều món ngon vật lạ.
Nay muốn đáp đền thì má đâu còn sống nữa,
Để lễ Vu Lan thêm nức nở ngậm ngùi.
Câu 6. Con giận mình vì quá ham sự nghiệp công danh,
Nên để má phải ngày trông tháng đợi.
Má chính là một cây cao bóng cả,
Che rợp mát cuộc đời cho từng đứa con thơ.
Khi con danh toại công thành thì cành lá xác xơ,
Ngày qua ngày rụng đầy từng nhánh khô cằn cõi.
Con khát thèm được mùa ô môi có má,
Để biết gửi ăn năn hối hận đến phương nào.
Cảm ơn những bông hồng đỏ trắng lễ Vu Lan,
Đã nhắc ta giữ gìn tình thương vô bờ bến.
Biết mùa ô môi chẳng bao giờ còn má nữa,
Nhưng vẫn muốn quay về nơi ngóng đợi ngày xưa./.
Long Xuyên, ngày 03 tháng 12 năm 2014.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---