MÙA XUÂN VÀ TÊN BẠI TƯỚNG
A Lý PhượngTuyền
(Có tiếng binh khí va chạm nhau và tiếng quân la ó)
DUYÊN KỲ NGỘ
Ầm ầm… như sấm vang
Quân Nam bốn bề vậy phủ
Trong khói lửa kinh hoàng
Tiếng quân Nam reo hò tở mở
Thiệt là chua xót cho ta
Cũng bởi xem thường nhuệ khí
Cho quân Nam nhu nhược yếu hèn
Nên giờ đành lâm vào thế bí
Nguyễn Huệ - Quang Trung
Dám xưng vương ngạo mạn với Thiên Triều
Đem binh đánh chiếm Ngọc Hồi
Hà Hồi đến lượt Đống Đa
Giờ lại vây hãm Thăng Long
Ôi, tủi cho ta một danh tướng của Thiên Triều
Phải cam đành thảm bại trước Quang Trung
VỌNG CỔ
1- Trời ơi, trống thúc đạn bay mịt mờ trong khói lửa. Có phải chăng đất An Nam là nơi tử lộ, sẽ vĩnh viễn vùi thây viên Tổng Đốc nhà Thanh trong một sớm mùa xuân máu lửa kinh hoàng… Nhìn ba quân lớp chết, lớp qui hàng… Ta nghe nỗi nghẹn ngào dâng khóe mắt, cảnh vật quay cuồng tan tác cả tâm linh (-) Không, Tôn Sĩ Nghị này đã từng lẫy lừng qua bao cuộc chiến chinh, tung vó câu ngang dọc bốn phương trời. Nay lại chuốc cho mình một thảm bại chua cay, với kẻ xuất thân là hàn vi áo vải.
2- Trời đã vào xuân sao thê lương ảm đạm, chung quanh ta là cảnh vật hoang sơ đất thảm, trời sầu… Viên Tổng Đốc nhà Thanh phải chuốc lấy bại vong trước một Quang Trung áo vải, cờ đào… Ba quân ơi, hãy theo ta tìm đường sinh lộ, kíp lên đường theo hướng cầu phao (-) Ôi, một mùa xuân đã đem đến cho ta nhiều nỗi đớn đau, đại quân bách chiến của Thiên Triều đành tan tác trước một Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nhìn xác ba quân ta tuôn trào ngấn lệ, ta khóc cho người hay ta khóc cho ta.
NÓI LỐI
Hoa đào nở hồng tươi trong nắng sớm
Ta tưởng chừng như máu của thân ta
Hay máu của ba quân nhuộm đỏ trường sa
Trên mảnh đất An Nam bé nhỏ
VỌNG CỔ
5- Nhìn cánh đào rơi tả tơi trong cơn gió lộng, ta ngỡ như thủ cấp của ba quân rơi rụng chốn sa trường… Ta bước chân đi như thể xác không hồn… Xuân Kỷ Dậu có phải chăng là xuân của Tôn Sĩ Nghị, tên bại tướng muôn đời trước Nguyễn Huệ - Quang Trung (-) Rồi đây sẽ lưu truyền ghi lại sử xanh, ta vĩnh viễn là một tên chiến bại. Nguyễn Huệ - Quang Trung chỉ là kẻ hàn vi áo vải, lại dũng lược tài ba phá tan hơn hai mươi vạn binh hùng.
6- Mùa xuân về chẳng khác một trời tang, chỉ còn lại quanh ta đám tàn quân xơ xác, với những đôi mắt thất thần phách lạc hồn xiêu. Ta nghe trong lòng chất ngất nỗi niềm đau, ba quân ơi hãy theo ta tìm đường sinh lộ. Hãy quăng bỏ đi, quăng bỏ đi ấn tín, ôi trước một Nguyễn Huệ - Quang Trung ta là tên bại tướng đến muôn đời (-)
Một áo vải cờ đào, một Nguyễn Huệ - Quang Trung, đã làm cho hai mươi vạn quân Thanh tan tác.
Mùa xuân đẹp với đất trời
Còn ta muôn đời tan nát cả thân danh.
(Tác phẩm được chọn in trong tuyển tập vọng cổ Đồng Nai Ngày Mới của A Lý Phượng Tuyền, do nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 1998)
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN là bút danh của Soạn Giả Cổ Nhạc Thái Quốc Thế Nguyên. Sáng tác thơ, truyện ông dùng bút danh Dạ Ngân Châu và tên thật.
Ông sanh năm 1949 tại xã An Thuận, quận Thạnh Phú, Tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Từ nhỏ, thân phụ ông đem gia đình lên định cư ở Thị Xã Mỹ Tho.
A Lý Phượng Tuyền là con trai Út (ông thứ 11 và còn thêm một người em gái) của Nhà Thơ Chánh Đạo Thái Vinh Tông và Bà Võ Thị Sáu. Ông là bào đệ của Nhà báo, văn thi sĩ Thái Quốc Mưu (Liêu Tiên Sinh) và, văn thi sĩ Kha Tiệm Ly (Thái Quốc Tế). Anh em ông đều thông thạo Hán-Việt. Trước năm 1975, ông phục vụ tại Tiểu khu Long Khánh, ngành Truyền Tin.
Tác phẩm đầu tay, bài thơ “Dặn Con Khi Thanh Bình” của ông được đăng trên tạp chí Nông Thôn Vùng Dậy”, của Tổng Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Đuốc Từ Bi của Phật Giáo. Sau đó, thơ ông đuọc đăng trên nhiều Nhật Báo ở Sàigòn.
Vì chiến sự ngày càng khốc liệt, do bận quân ngũ, ông không thể tiếp tục sáng tác. Sau 30.4.1975, ông về sinh sống tại xã Bàu Hàm 1, xuyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, trong cảnh khó nghèo. Mãi đến năm 1988 cuộc sống tạm ổn định, ông viết lại. Với chuyên đề Thơ Chua, Thơ Cay, Thơ Ngâm Dấm và Tiểu Phẩm. Đặc biệt là Cổ Nhạc.
Như chuyên đề đã định, văn thơ ông thường chống tiêu cực, châm chích tệ nạn xã hội và xây dựng đời sống,… đăng gần như thường kỳ trong mục Quán Cười Báo Lao Động Đồng Nai, báo Văn nghệ Thành phố HCM, báo Tuổi Trẻ Cười, tuyển tập Tuổi Hồng và các tập san như Thông Tin Đồng Nai, Văn nghệ Châu Đốc…v.v.
Về Cổ Nhạc ông đã có nhiều tác phẩm thành danh như: “Tâm Tình Cô Công Nhân”, “Hoa Cao Su” và vài mươi bài khác. Chặp cải lương “Ngọc Hoàng Nổi Giận” gây tiếng vang trong làng Cổ Nhạc. Hiện ông có trên 200 tác phẩm Cổ Nhạc. Soạn giả Viễn Châu từng ngậm ngùi nuối tiếc: “A Lý sinh chẳng phùng thời”.
Từ năm 1995 đến 2005, năm nào ông cũng đoạt 3, 4 giải thưởng sáng tác Cổ Nhạc, do các tỉnh, thành tổ chức. Trong đó có giải Huỳnh Văn Nghệ, 5 năm tổ chức một lần. Nhờ vậy, đời sống ông khấm khá hơn.
Soạn giả Cổ Nhạc A Lý Phượng Tuyền được các đài truyền hình Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai ghi hình tác giả và tác phẩm. Cá biệt, đài truyền hình Đồng Nai, chọn lọc và thực hiện VCD Tác Giả Tác Phẩm dành riêng ông.