NẶNG TÌNH CHỢ LÁCH QUÊ EM
Đặng Thanh Huyền
(* Viết tặng bạn Bích Trâm – Lớp Luật K.28, Đại học Cần Thơ, 2002-2006)
Ngâm Thơ:
Nữ: Đêm đêm giấc ngủ chập chờn
Phải thương Chợ Lách – Cái Mơn bóng hình...
Nam: Hàm Luông pha vạn chung tình
Cổ Chiên chở nỗi nhớ mình về đâu...
Lý Cái Mơn:
Nữ: Phà Đình Khao, chờ mong con nước
Thổn thức bâng khuâng xuôi dòng tháng năm mòn trông
Ngỡ như ai hoài thương nhớ bóng ai ngày nào...
Nam: Về quê hương nặng tình luyến lưu
Nhớ biết bao người em
Mái tóc thề thướt tha làm xao động lòng anh...
Vọng Cổ:
Câu 01:
Nam: Em ơi dòng nước Hàm Luông pha vạn chung tình anh đó. Để nhờ Cổ Chiên chở dùm thương nhớ gửi Chợ Lách quê hương tặng người em gái... năm... nào...
Còn mãi trong tim hương vị ngọt ngào...
Nữ: Mới đến quê em có một lần hà... sao nói nhớ, lại thề thốt chung tình... chắc chỉ chót lưỡi đầu môi?!
Nam: Anh nói thiệt lòng mà... hổng gian dối em đâu, từ hôm ấy về lòng cứ tương tư hoài không dứt...
Nhớ cồn cào mùi tóc lẫn pha, với hương trái quê nhà Cái Mơn – Chợ Lách...
Ngâm thơ:
Nữ: Quê em Chợ Lách bốn mùa
Cây lành trái ngọt xứ dừa Bến Tre…
Câu 02:
Nữ: Anh ơi nước Hàm Luông vẫn ngày đêm xiết chảy, sao chẳng thấy tình ai ghé lại nơi này.
Để Chợ Lách quê hương thôi nhung nhớ đêm ngày.
Nam: Anh nhờ gió sương chở dùm nỗi nhớ, ngày đêm khẩm tình trên chuyến Đình Khao.
Biết vùng sông nước yên bình thơ mộng hiểu chăng, sao bỗng nghe tim lòng từng cơn đau nhói.
Nữ: Ai biểu người ta thương mà không dám nói, để Cái Mơn từng chiều nắng soi bóng đơn côi…
Nói Lối:
Nam: Nhớ diết da vườn chôm chôm chín đỏ
Như má em hồng môi em đỏ cười xinh…
Nữ: Ai có về thăm dải đất cù lao Minh
Em xin gửi mối tình thủy chung son sắt…
Lý Con Sáo:
Nam: Ôi yêu thương tha thiết muôn đời quê em
Lòng dặn lòng sắt son
Em ơi em anh sẽ sớm quay về
Nơi chốn nao gửi lại câu thề…
Nữ: Nhiều đêm rồi dưới trăng ngống trông
Đợi phương xa ai đó về thăm
Chợ Lách mùa này trái cây ngát thơm
Quyện tóc bay gió đưa câu tình duyên…
Vọng Cổ:
Câu 05:
Nữ: Vẫn lối cũ ngày xưa vườn cây nặng oằn sai trái. Sao tháng năm trôi chẳng thấy người quay lại để mận, quýt, hồng xiêm cũng thổn thức… mong… chờ…
Mùi thương nhớ tỏa lan không biết tự bao giờ…
Nam: Để đêm đêm anh nhìn về quê hương Chợ Lách, gửi tấm chân tình thầm tặng người yêu.
Nữ: Anh xa rồi bến nước cô liêu, sông lững lờ trôi chở vạn ngàn thương nhớ.
Vườn trái cây cũng trách hờn than thở, còn cô gái bên sông luôn ngống đợi anh về…
Câu 06:
Nam: Anh sẽ về thăm vườn cây trái Cái Mơn, thăm Chợ Lách mãi nặng tình lưu luyến.
Nữ: Phà Đình Khao lại qua tháng ngày bao chuyến, mà anh cứ phương nào cho sóng nước buồn tênh.
Nam: Nước sông Tiền pha lẫn Cổ Chiên, cả Hàm Luông cũng nặng tình anh hòa quyện.
Dòng chảy phù sa tìm đổ ra cửa biển, riêng tình đôi ta vĩnh viễn chẳng phai mờ.
Ngâm thơ:
Nữ: Cái Mơn – Chợ Lách em chờ
Đình Khao anh sẽ bao giờ ghé qua…
Nam: Hàm Luông thương nhớ còn pha
Mối tình chung thủy thiết tha muôn đời…
Long Xuyên, ngày 24 tháng 3 năm 2015.
Kho tàng Vọng cổ Việt Nam được phép sử dụng toàn bộ tác phẩm của tác giả Đặng Thanh Huyền với các nội dung được quy định tại hợp đồng Số: 005 - 2015/HĐTPSK - CLB, ký ngày 15/01/2015 giữa Tác giả Đặng Thanh Huyền và CLB Sáng tác Vọng cổ Đồng Quê.
---------------
Tác giả Đặng Thanh Huyền là một tác giả nổi bật trong lĩnh vực nghệ thuật vọng cổ, với hơn 200 tác phẩm đóng góp vào kho tàng cải lương Nam Bộ. Anh không chỉ sáng tác để bảo tồn mà còn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên những dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả yêu nghệ thuật.
Từ nhỏ, Đặng Thanh Huyền đã được nuôi dưỡng trong môi trường đậm chất văn hóa dân tộc, nơi cải lương là nguồn cảm hứng lớn. Nhưng chính trong thời gian học Đại học Luật Cần Thơ vào năm 2002, niềm đam mê này mới thực sự bùng cháy khi anh tình cờ được nghe những câu vọng cổ đầu tiên từ một người bạn. Từ đó, anh bắt đầu hành trình tự học sáng tác và dần khẳng định tài năng của mình.
Hiện tại, Đặng Thanh Huyền đảm nhận vị trí Kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát Quân sự Khu vực 92 thuộc Quân khu 9 với quân hàm Đại úy. Mặc dù công việc trong quân đội rất bận rộn, anh vẫn luôn dành trọn đam mê và tâm huyết để sáng tác nghệ thuật. Đối với anh, cải lương không chỉ là niềm yêu thích mà còn là trách nhiệm với văn hóa dân tộc, nơi anh gửi gắm tình yêu quê hương, đất nước và con người qua từng lời ca tiếng hát.
Các sáng tác của anh được biết đến với chiều sâu nhân văn, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống đời thường và những giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm của anh đã được ghi âm, phát sóng trên các đài truyền hình và phát thanh, đưa lời ca ngọt ngào của nghệ thuật vọng cổ đến với công chúng.
Với hơn 200 tác phẩm cùng sự cống hiến không ngừng nghỉ, Đặng Thanh Huyền đã gặt hái nhiều giải thưởng uy tín và trở thành một biểu tượng của sự nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Anh hy vọng sẽ tiếp tục sáng tác những tác phẩm chất lượng, góp phần làm cho nghệ thuật này mãi trường tồn và phát triển theo thời gian.
---